Nhộn nhịp chợ phiên ở Bắc Mê
BHG- Không đậm chất văn hóa của một dân tộc nào, không gà, lợn cắp nách, váy hoa sặc sỡ, hay chảo thắng cố nghi ngút khói... Chợ phiên ở Bắc Mê là sự gặp gỡ, giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc và là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa sôi động, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân địa phương.
Gian hàng thổ cẩm truyền thống của người Dao tại chợ thị trấn Yên Phú thu hút sự quan tâm của nhiều người. |
Bắc Mê hiện có 11/13 xã, thị trấn có chợ phiên, riêng xã Yên Phong và Phú Nam, tuy chưa xây dựng được chợ trung tâm xã phù hợp nhưng người dân nơi đây thường xuyên tham gia các phiên chợ liên xã và các chợ phiên thuộc huyện Nà Hang (Tuyên Quang), Bảo Lâm (Cao Bằng). Chợ phiên ở Bắc Mê không họp phiên “lùi” như chợ phiên trên Cao nguyên đá Đồng Văn mà phần lớn tổ chức vào các ngày cố định trong tháng, tạo thói quen và điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như tiểu thương từ các địa phương khác tham gia phiên chợ. Có dịp tham gia chợ phiên xã Đường Hồng vào các ngày 09, 19, 29 âm lịch hàng tháng, chứng kiến hàng nghàn lượt người khắp nơi từ trong và ngoài huyện đổ về mua – bán với lượng hàng hóa và sức mua lớn, mới hay sản phẩm nông nghiệp và các mặt hàng truyền thống của người dân đang dần có chỗ đứng trên thị trường. Thông tin từ Phòng Công thương huyện Bắc Mê cho biết, các chợ phiên: Đường Hồng, Minh Sơn, Yên Cường... thu hút hàng ngàn lượt người tham gia với số lượng tiền mặt trao đổi, buôn bán lên đến trên 200 triệu đồng/phiên. Sản phẩm hàng hóa ở chợ phiên Bắc Mê chủ yếu vẫn là các mặt hàng nông sản do người dân tự sản xuất, nuôi trồng: Chè xanh, gạo tám, đậu tương, rau xanh, cá sông, trâu, bò, lợn gà, thổ cẩm... Đặc biệt ở mỗi phiên chợ, người dân nơi đây thường tổ chức chọi dê thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Những năm qua, để thúc đẩy các hoạt động thương mại, ngành chức năng huyện Bắc Mê đã tham mưu và tổ chức thành công nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, hội chợ thương mại, hội nghị xúc tiến đầu tư... nhằm quảng bá sản phẩm và thu hút sự đầu tư, trao đổi mua bán trên địa bàn. Các xã, thị trấn đều thành lập các hợp tác xã quản lý chợ, phối hợp với ngành chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy nổ, giá cả thị trường... đảm bảo việc trao đổi, giao thương được diễn ra an toàn, thuận lợi. Phần lớn các chợ được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng tiêu chí Nông thôn mới, đường giao thông được mở rộng đến tận các thôn, bản, tạo thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân. Năm 2014, ngành thương mại, dịch vụ chiếm 29,9% cơ cấu kinh tế toàn huyện, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 286,5 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2013.
Sự sôi động trong các phiên chợ nông thôn ở Bắc Mê là điều thấy rõ, tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa rộng lớn, giúp người dân yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, điều khiến lãnh đạo huyện Bắc Mê và ngành chức năng trăn trở là sản phẩm hàng hóa của Bắc Mê vẫn chủ yếu là hàng nông sản, chưa đa dạng và phong phú; sự giao thương với các huyện giáp ranh tuy đã có nhưng chưa sôi động, chưa tạo được sức hút lớn với người dân; địa hình đồi núi phức tạp, giao thông khó khăn, việc xây dựng, mở rộng quy mô chợ còn gặp trở ngại trong giải phóng mặt bằng; chưa huy động được nguồn xã hội hóa vào việc đầu tư xây dựng chợ...
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trần Tú Oanh cho biết: Việc quản lý, xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy giao thương, buôn bán tại các chợ trên địa bàn luôn được huyện đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trao đổi hàng hóa, kích cầu cho phát triển sản suất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, hướng đến ngành nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn. Trong giai đoạn tiếp theo, huyện sẽ có nhiều cơ chế chính sách mở cửa thu hút đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, góp phần vào sự phát triển KT – XH chung của huyện. Việc đầu tư xây dựng hệ thống chợ và mở rộng thị trường, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn huyện Bắc Mê hy vọng mở ra triển vọng mới cho kinh tế huyện nhà.
AN GIANG
Ý kiến bạn đọc