Xín Mần, bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc bắt đầu từ trường học
BHG- Là huyện phía Tây của tỉnh, huyện Xín Mần có 18 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, dân tộc Nùng, Mông, Tày chiếm đa số, còn lại là các dân tộc khác như: La Chí, Dao, Phù Lá... Vì vậy, đây là địa phương có rất nhiều nét văn hóa đặc sắc với những làn điệu dân ca, hát then, hát lượn, đàn tính, khèn môi, khèn lá; các trò chơi dân gian và các lễ hội: Kéo co, đẩy gậy, tung còn, đánh yến, Lễ hội Khu Cù Tê, Lễ Cấp sắc... và nhiều nghi lễ tín ngưỡng tâm linh phong phú.
Học sinh Trường Tiểu học Nà Chì được các nghệ nhân dạy múa bát (bài múa truyền thống của người Tày) trong buổi học ngoại khóa. |
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và xu thế hội nhập; nhiều luồng văn hoá khác nhau xâm nhập vào đời sống người dân, gây tác động mạnh, thậm chí có nguy cơ phai mờ, biến dạng bản sắc văn hóa truyền thống. Do đó, để bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, huyện xác định cần bắt đầu từ trong trường học.
Chứng kiến một buổi học ngoại khóa của học sinh Trường Tiểu học Nà Chì, xã Nà Chì với các nghệ nhân dân gian trong xã. Nhìn các em thích thú và hăng say tập các bài múa, làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình; sự quan tâm, tạo điều kiện của các thầy, cô giáo và nhà trường, cùng sự tận tình chỉ dạy của các nghệ nhân; chúng tôi cảm nhận như cả xã hội thu nhỏ đang chung tay bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đang dần mai một. Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa huyện Xín Mần cho biết, đây chính là mục tiêu mà Đề án “Bảo tồn giá trị và phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Xín Mần giai đoạn 2013 – 2020” (Đề án 117) của huyện thực hiện năm 2013 đã đề ra. Tranh thủ thời gian giải lao, vừa ôn lại những đường nét bài múa mới học, cháu Hoàng Thị Hân, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Nà Chì chia sẻ: “Cháu là người Tày, chỉ biết các bài múa, làn điệu dân ca của dân tộc mình qua các nghi thức cũng tế và lễ hội hay nghe qua ông, bà, bố, mẹ nói chứ chưa được học bao giờ. Từ khi được các cô, các bà nghệ nhân về trường dạy, giờ cháu đã biết hát cọi, múa bát, múa trồng chè... là những bài múa, điệu hát đặc trưng của dân tộc cháu; cháu rất vui vì được biết về bản sắc dân tộc mình. Cháu mong qua các buổi học tiếp theo sẽ biết thêm nhiều bài hát, múa nữa”. Sâu xa hơn suy nghĩ trẻ thơ, Nghệ nhân Hoàng Thị Ước và Hoàng Thị Trình bày tỏ: Chúng tôi chỉ mong những bản sắc dân tộc mình đã được cha ông lưu truyền hàng nghìn năm qua bây giờ truyền lại cho các thế hệ sau tiếp tục nối bước gìn giữ, bảo tồn và phát huy mà thôi.
Từ những chia sẻ, bày tỏ của các nghệ nhân và các em học sinh có thể thấy, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Xín Mần đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của nhân dân. Để có được điều này, ngay khi triển khai thực hiện Đề án 117, BTV Huyện ủy đã có nhiều chỉ đạo sát sao đến các ngành chuyên môn, các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan thường xuyên phối hợp với nhà trường, đặc biệt là Hội Nghệ nhân dân gian để thống nhất nội dụng, thời gian, chương trình và lịch dạy, hướng dẫn cho học sinh và các đội văn nghệ các trường. Bên cạnh đó, huyện đã trích nguồn ngân sách hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân trực tiếp tham gia truyền dạy; hỗ trợ mua các đạo cụ, trang phục, nhạc cụ phục vụ việc giảng dạy và biểu diễn...
Kết quả, sau hơn 1 năm, trung bình mỗi trường học trên địa bàn huyện (từ cấp tiểu học đến THPT) đã có ít nhất 2-3 buổi được các Nghệ nhân dân gian đến truyền dạy văn hóa cho học sinh ở trường chính và 1 buổi ở các điểm trường. Bên cạnh đó, trong các buổi sinh hoạt thôn, tổ dân phố, hội nghị các cấp, nhiều đội văn nghệ của các trường học đã được mời biểu diễn giới thiệu văn hóa đến các đại biểu, lãnh đạo tỉnh, Trung ương dự hội nghị. Đặc biệt, trong năm 2014, huyện Xín Mần đã tổ chức thành công Hội thi văn nghệ, thể thao 5 cụm xã, thị trấn trong toàn huyện với nòng cốt là sự biểu diễn của các em học sinh của các nhà trường với các bài múa, làn điệu dân ca được truyền dạy từ các nghệ nhân trong gần 1 năm qua...
Việc bảo tồn bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện Xín Mần trong thời gian vừa qua tuy còn gặp nhiều khó khăn do văn hóa truyền thống trong kiến trúc nhà ở, trang phục, làng nghề, các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội một phần đã bị pha trộn; đội ngũ cán bộ quản lý làm công tác Văn hoá ở một số cơ sở còn yếu về chuyên môn, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực là người dân tộc làm công tác Văn hóa; người có uy tín và các nghệ nhân dân gian các dân tộc ngày càng ít dần... Tuy nhiên, với những hiệu quả bước đầu của Đề án 117, trong những năm tiếp theo, Xín Mần hy vọng có thể bảo tồn, gìn giữ và cùng với đó phát huy tích cực bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc trong huyện giúp xây dựng nét văn hóa riêng của huyện phía Tây của tỉnh.
Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc