Trùng tu phố cổ Đồng Văn chậm - người dân nơm nớp đón Tết trong nhà sắp đổ (!)
BHG - Được sống trong ngôi nhà khang trang, sạch đẹp là niềm mơ ước, mong mỏi của mỗi người dân. Thế nhưng, khi Tết đến, Xuân về thì nhiều hộ dân sinh sống ở khu Phố cổ Đồng Văn (Đồng Văn) - một di sản cấp Quốc gia lại đang nơm nớp lo lắng vì phải sống trong những ngôi nhà cổ đã quá cũ, dột nát và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
[links()]
Phố cổ Đồng Văn là một Di tích kiến trúc nghệ thuật được công nhận là Di sản cấp Quốc gia từ năm 2009. Năm 2013, khu Phố cổ này được phê duyệt vào Dự án đầu tư xây dựng bảo tồn, tu bổ cấp thiết di tích, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư là hơn 66 tỷ đồng từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về Văn hóa, ngân sách địa phương và các hộ có nhà được tu bổ đóng góp. Theo đó, có tổng số 31 ngôi nhà cần được tu bổ, cải tạo. Thế nhưng do nguồn vốn cấp “nhỏ rọt” đã kéo theo tốc độ thi công “rùa bò”, sau hơn 2 năm mới sửa chữa xong 6 ngôi nhà, trong khi các ngôi nhà khác ở đây đã quá cũ gây ra không ít bất tiện và nguy hiểm cho người dân.
Nhà bà Lý Thị Dừa, ở tổ 4, thị trấn Đồng Văn đã hỏng nhiều chỗ. |
Đến thăm nhà của hộ gia đình ông Nguyễn Gia Hạnh, ở tổ 4 thị trấn Đồng Văn, một ngôi nhà xuống cấp trầm trọng nhất khu Phố cổ, được chủ nhà chia sẻ: “Nhà tôi được xây dựng từ lâu lắm rồi, có đến 4 đời đã ở đây. Thế nhưng đến nay ngôi nhà này không còn phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của gia đình nữa do quá trật trội và xuống cấp trầm trọng”. Có thể nhìn thấy rõ sự xuống cấp của ngôi nhà ngay từ phía bên ngoài, một góc mái phía bên phải nhà đã bị sụp xuống, gia đình phải khóa cánh cổng bên ngách phải để tránh có người đi vào không may bị ngói rơi xuống. Tình trạng phía bên trong nhà cũng không khá hơn là mấy, tường đất đã bị rạn nứt nhiều chỗ, bước chân lên tầng gác mái phải thật nhẹ nhàng bởi cột chống yếu, toàn bộ sàn gỗ đã bị mục hỏng đến nỗi khi đi trên sàn nhà có thể cảm nhận được độ rung lắc. Mái nhà thì bị thủng nhiều chỗ, gia đình phải che bạt để chống dột. Tình trạng của ngôi nhà này khó mà chống đỡ được đến mùa mưa bão, nhưng do nằm trong vùng dự án nên gia đình không được phép tự ý sửa chữa. Bức xúc vì hàng ngày đều phải sống trong tình trạng lo lắng, cảnh giác nhà sụp. “Đề nghị Nhà nước đẩy nhanh tiến độ tu sửa nhà cho chúng tôi để tránh nhà bị sập xuống, hoặc nếu không sửa được thì trả lời cho chúng tôi biết để gia đình tự sửa”, ông Hạnh mong mỏi.
Một ngôi nhà cổ khác của hộ gia đình bà Lý Thị Dừa, ở tổ 4 thị trấn Đồng Văn, cũng có thể nhìn thấy sự xuống cấp nghiêm trọng không kém. Bà Dừa bộc bạch: “Gia đình có 7 người lớn và trẻ nhỏ đang phải sống trong căn nhà xuống cấp trầm trọng, tường đất bị nứt, chân tường lở đất, mái thủng. Nhà ở đã lâu năm nên hỏng hóc quá nhiều chỗ, mong nhà nước sửa nhanh giúp cho chúng tôi”.
Qua tìm hiểu thực tế thấy rằng điều bất cập hơn nữa là các nhà cổ đã xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người dân không được ưu tiên sửa chữa, nhưng một số nhà còn tương đối kiên cố lại được sửa trước. Điều này đi ngược lại với chính mục tiêu phân kỳ đầu tư trong dự án, có ghi rõ “... trong giai đoạn năm 2013 - 2014 sẽ ưu tiên tu bổ cấp thiết các ngôi nhà cổ đã xuống cấp trầm trọng” song đã quá thời hạn mà nhiều người dân vẫn phải sống trong những ngôi nhà sập xệ, tính mạng treo trên đầu.
Nhaâ öng Nguyïîn Gia Haånh, úã töí 4, thõ trêën Àöìng Vùn, bõ suåp möåt phêìn maái phña bïn phaãi. |
Đề cập đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, Lý Trung Kiên cho biết: “Một số hộ dân ở khu Phố cổ đã có đơn đề nghị cho gia đình tự sửa, không chờ theo tiến độ của dự án nữa. Vì ngôi nhà đã xuống cấp quá trầm trọng rồi, người dân cũng muốn ở trong một ngôi nhà khang trang sạch sẽ hơn nên mong muốn đẩy nhanh tiến độ dự án trùng tu phố cổ. Sau khi nhận được đơn của nhân dân thì UBND huyện đã gửi đơn kèm theo công văn về Sở VH -TT&DL tỉnh Hà Giang đề nghị khắc phục và cho ý kiến về việc thực hiện dự án trùng tu phố cổ. Đồng thời, đã cử các cơ quan chuyên môn đến động viên nhân dân tiếp tục cố gắng chờ theo chương trình của dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phản hồi nào của Sở, UBND huyện mong muốn về phía Sở VH -TT&DL tỉnh có ý kiến với Bộ VH - TT&DL làm sao cấp nguồn kinh phí để đẩy nhanh tiến độ trùng tu Phố cổ Đồng Văn, đảm bảo sự an toàn cho người dân. Nếu kéo dài tình trạng này thì việc bảo tồn khu Phố cổ rất khó, có nguy cơ là một số hộ sẽ tự sửa chữa không theo quy cách”.
Được sống ở trong một di tích kiến trúc nghệ thuật lâu đời là một vinh dự, thế nhưng nhiều ngôi nhà ở Phố cổ Đồng Văn đều đã tồn tại với khoảng thời gian từ trên 100 năm đến gần 300 năm không còn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hiện nay của người dân nữa. Mong rằng các cấp, ngành quan tâm giải quyết để người dân an tâm ổn định cuộc sống.
Hoàng Ngọc - Lê Hải
Ý kiến bạn đọc