Trong rừng thẳm châu Phi với VTV và ca sỹ Hồng Nhung…
Chuyến bay dài 15 tiếng từ Hồng Kông sang Johanasburg khiến tôi và Nguyễn Minh Dũng, Truyền hình Cáp Việt Nam thật sự bải hoải. Tôi hứa Andrew Peterson, Giám đốc Rihno Fundation (tạm dịch Quỹ bảo tồn tê giác) Nam Phi, và tôi đã có mặt ở Johan. Andrew ôm từng vị khách, rằng sau một năm, những gì chúng tôi làm được ở Việt Nam và quốc tế, cho chương trình bảo vệ đàn tê giác của thế giới đã làm hắn cảm kích. Quả là nếu chưa sang đến Nam Phi, chưa xâm nhập thật sự vào rừng châu Phi, chứng kiến thảm cảnh mà các loài động vật hoang dã đang phải đối mặt trong tuyệt vọng, thì nhiều người sẽ nghĩ chúng tôi nói “vống” cái cảm giác, cái nỗi đau của mình và của thiên nhiên lên nhằm… mưu lợi cá nhân. Họ đay đi đay lại cái thắc mắc: tại sao Việt Nam trở thành một trong 3 thị trường tiêu thụ sừng tê giác “nóng” nhất thế giới.
Tác giả (hàng thứ nhất ngoài cùng bên phải) và đoàn công tác và trẻ em Châu Phi |
Ở Châu Phi, họ treo biển khắp nơi “mọi ngày đều là ngày bảo vệ tê giác”. Xe ô tô của họ vẽ con tê giác đẹp và kiêu hùng như một tráng sỹ bất khả chiến bại ở tứ phía. Trước mỗi mũi xe là một cái sừng tê giác bằng nhựa đỏ hon hỏn. Họ mời chúng tôi đến các cuộc họp báo, đến các đài phát thanh, truyền hình để nói chuyện, rồi tỉ tê: Hồng Nhung ca sỹ ơi, Hoàng funy man ơi, về Việt Nam rồi, nhớ đính cái sừng tê giác bằng nhựa này vào mũi xe hay nóc xe của bạn rồi chụp ảnh gửi cho tớ nhé. Tớ cần làm tất cả, trước khi điều đó trở thành quá muộn, bởi Nam Phi chiếm tới 80% lượng tê giác còn lại của toàn bộ trái đất, vậy mà cũng chỉ có hơn 20 nghìn con. Tê giác hầu như không có đối thủ trong tự nhiên, nó chỉ bị thảm sát bởi sự độc ác và mù quáng của con người. Sừng của nó cũng chả khác gì sừng trâu sừng bò. Cả thế giới này, chỉ có vài nước châu Á mê mẩn công dụng tưởng tượng của sừng tê giác. Họ bắn chết tê giác, cắt cái sừng và cái… dương vật của nó mang đi bán, rồi vứt hết. Lũ trộm còn xông vào các bảo tàng tự nhiên ở Mỹ và châu Âu để ăn trộm sừng của các con tê giác đã nhồi làm tiêu bản, khiến người phương Tây chết đứng không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Tôi và nhà báo Minh Dũng, cán bộ VTV được phân công đi thị sất một tuyến đường núi thăm thẳm để chứng kiến sự sum vầy của các loài động vật hoang dã Nam Phi. Khu vực này được bảo tồn từ năm 1898 (!), nó còn được đặt theo tên vị Tổng thống Nam Phi lúc bấy giờ là ông Kruger. Với diện tích hơn 2 triệu héc-ta, quả thật là một chốn thiên đường cho thiên nhiên hoang dã. Trên những chiếc xe tải dã chiến có khoang rộng, cao để tránh thú dữ tấn công, người ta đã thiết kế không cần cửa rả gì, cứ trống hoác như thế để chúng tôi thỏa thích ngắm rừng và các loài chim thú, ong bướm, sư tử, từng đàn hà mã, Báo hoa, Ngựa vằn hươu, nai sơn dương đầu bò, rồi kuru...
Đến đoạn đi rừng cuốc bộ mới là mệt mỏi.. Nắng đến mức tôi chỉ dám hở hai con mắt đeo kính ra để nhìn đường, khăn áo trùm kín người thì gai góc nó cứ bíu lấy lôi lại. Gai rừng châu Phi dài cả gang tay, nhọn hơn đinh sắt, trắng lốp nhẹ nhàng như làm bằng kem xốp vậy.
Chỉ biết, vì gai nhọn, vì nắng nỏ, vì đường dài hun hút trong thế giới khô cằn khốc liệt, liên tục phải quay phim và chụp ảnh nên tôi và Dũng (Truyền hình Việt Nam) cứ liên tục bị đoàn bỏ lại phía sau. Trong khi đó, Andrew và hai kiểm lâm da đen kịt lại cầm súng bảo vệ đoàn. Chưa bao giờ tôi thấy mình nhỏ bé mong manh đến vậy. Xung quanh là mấy chục con voi lớn, Đàn sư tử đói và sợ nhất là hà mã. Chỉ còn biết trông cậy vào súng của lực lượng cảnh giới. Mỗi lúc tôi và Dũng tụt lại phía sau, anh chàng hài hước Andrew bèn ra lệnh cho một kiểm lâm da đen “hộ tống”chúng tôi. Từ lúc ra lệnh, Andrew hí hớn dẫn ca sỹ Hồng Nhung eo ót nhỏ nhẻ đi trước. Chiều ấy, bị một con voi cao nhất trong những con voi tôi từng trông thấy chặn đường, tim tôi như bay ra khỏi lồng ngực … Luật đi rừng kiểu này, là: trong bất cứ hoàn cảnh nào không được chạy, không được kêu la. Chạy và kêu là con đường ngắn nhất để thú hoang điên tiết giết chết bạn. Chúng tôi đi giật lùi từng bước, mắt nhìn thẳng vào từng đôi mắt voi dữ, cho đến khi đàn voi hạ hỏa dắt díu nhau bỏ đi.
Ám ảnh nhất là những lúc quay phim động vật hoang dã. Lúc leo lên trực thăng cũng “ám ảnh” không kém. Bay là là các cánh rừng. Bụi mù trời, phi công và hành khách không nhìn thấy nhau, cũng chẳng ai nhìn thấy gì. Cứ nhắm mắt lao vào hoặc lao ra khỏi chỗ có tiếng động cơ gầm rú thôi. Bụi và lá mục bay vào mũi, vào mắt. Từ trên trời cao, bao quát từng gia đình voi, gia đình tê giác đủ bố mẹ và lũ con lũn cũn thơ ngộ.
Khi ca sỹ Hồng Nhung và phóng viên Minh Dũng của VTV kỳ công đứng sát thi thể con Tê giác bị sát hại để “quay phim, dẫn hiện trường” nhằm đưa ra thông điệp với người Việt Nam và thế giới, thì “bối cảnh” mới thể hiện hết những điều đáng sợ của nó. Phải nói là Hồng Nhung không chỉ trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh lưu loát trong cuộc họp báo với các hãng thông tấn lớn, mà đến mức các em da đen đều rủ rỉ “có thật chị đã hơn 45 tuổi rồi không, cho xem hộ chiếu tí nào”.
Phải nói, đó là những ngày tác nghiệp không thể nào quên. Hình ảnh đẹp sum vầy, đẹp như thiêng đường của đất trời và muông thú Kruger đã ám ảnh. Thảm cảnh tàn sát tê giác lại càng không thể nào quên. Hai cảnh ấy đăng đối bên nhau, cùng lúc đập vào cảm giác của chúng tôi, khiến ai nấy ứa nước mắt tự hứa với mình: hãy làm một cái gì đó, trước khi tất cả trở thành quá muộn, để khỏi phụ lòng những người bạn làm bảo tồn tử tế kia. Để cái chết của những loài vật đẹp, quý, linh thiêng, có từ thời tiền sử kia không trở nên vô ích.
ĐỖ DOÃN HOÀNG
Ý kiến bạn đọc