Tìm về "Ngày hội văn hóa dân tộc Mông"
Xuân 2015- Bao đời nay, người Mông ở Mèo Vạc vốn nổi tiếng với canh tác trên nương đá cùng nhiều nghề truyền thống như dệt, đan lát, làm đồ gỗ, kỹ thuật rèn đúc... Trải qua thăng trầm cùng thời gian, người Mông vẫn giữ cho mình bản sắc văn hóa riêng vốn có. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, huyện Mèo Vạc đang chuẩn bị tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ nhất, hứa hẹn nhiều trải nghiệm thú vị đang chờ đợi du khách.
Dệt vải lanh. |
Đến với Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, du khách có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm thực tế bởi Ngày hội sẽ diễn ra nhiều nội dung, thể hiện nhiều mặt đời sống của đồng bào Mông trên Cao nguyên đá như: Giới thiệu ý nghĩa của cây ngô đối với đồng bào Mông từ xưa đến nay và trải nghiệm kỹ thuật canh tác ngô trên đá; thi xay ngô, nấu đậu chúa và qui trình đồ mèn mén; giới thiệu quy trình trồng cây lanh, tước lanh đến khi dệt thành vải; giới thiệu quy trình làm khèn Mông, ý nghĩa của cây khèn (giới thiệu 3 bài khèn như bài: Từ giã cõi đời, bài nhập quan, bài ra đồng); thi tung còn, hát đối, đánh sảng; trình diễn lễ đặt tên cho người đàn ông trưởng thành và lễ ăn hỏi; Hội vỗ Mông; đan quẩy tấu; trình diễn kỹ thuật đúc lưỡi cày; trình diễn lễ cúng 30 tết; trình diễn người đẹp dân tộc Mông với trang phục truyền thống... Có lẽ, nhiều người biết đến dân tộc Mông nhưng tìm hiểu về văn hóa Mông chắc ít người tường tận, bởi văn hóa truyền thống của người Mông được ví như một kho tàng với những phong tục, tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng giàu bản sắc. Tất cả là tài sản vô giá của cộng đồng người Mông được lưu giữ từ lâu đời.
Đồng chí Nguyễn Thị Chanh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mèo Vạc cho biết: “Việc tổ chức các hoạt động trong Ngày hội văn hóa dân tộc Mông sẽ góp phần giữ gìn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc Mông. Đồng thời, giáo dục tinh thần đoàn kết, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong huyện. Đây còn là dịp để các nghệ nhân, diễn viên gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, giới thiệu các tiềm năng văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống với du khách”. Với mục tiêu đảm bảo trang trọng, ý nghĩa, an toàn, tiết kiệm, tạo không khí phấn khởi trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và thông qua việc tổ chức các hoạt động trong Ngày hội văn hóa dân tộc Mông để tôn vinh, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của người Mông trên địa bàn, huyện Mèo Vạc đã thành lập Ban tổ chức Ngày hội và phân công nhiệm vụ cụ thể tới các thành viên. Ngoài ra, tiến hành họp bàn, thống nhất công tác tổ chức các hoạt động trải nghiệm; lên kế hoạch tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của quần chúng nhân dân và du khách đến với địa phương.
Theo kế hoạch, các hoạt động trong Ngày hội văn hóa dân tộc Mông sẽ diễn ra từ ngày 23 – 24.2.2015 (tức ngày 5 – 6 tháng Giêng). Với công tác chuẩn bị tích cực, chu đáo cùng nhiều hoạt động văn hóa phong phú, có thể tin rằng sẽ có nhiều ấn tượng và du khách có thể khám phá nhiều điều mới lạ khi đến với mảnh đất đa sắc mầu văn hóa Mèo Vạc.
Tục “vỗ Mông” – nét văn hóa độc đáo của người Mông ở Mèo Vạc. |
ĐẶNG KIM
Ý kiến bạn đọc