Phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ học tại huyện Vị Xuyên và Hoàng Su Phì
BHG - Đầu năm 2015, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh tiến hành điều tra, khảo sát một số hang động ở xã Minh Tân (huyện Vị Xuyên). Đoàn khảo sát đã phát hiện di chỉ khảo cổ học hang Pắc Tà, thôn Lùng Thiềng.
Hang Pắc Tà rất rộng, sáng, thoáng mát, ước tính vòm hang cao 60m, lòng hang rộng 40m, sâu hơn 100m. Một con suối chảy ngay bên dưới hang. Cửa hang và khoảng một nửa diện tích lòng hang bị đá sập. Phần diện tích còn lại tương đối bằng phẳng.
Rìu tứ giác và rìu có vai phát hiện ở thôn Quang Tiến, thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì). |
TS. Nguyễn Trường Đông, Viện Khảo cổ học Việt Nam cùng các cán bộ Bảo tàng tỉnh đã tiến hành khảo sát và đào hai hố thám sát, phát hiện được 60 công cụ đá ghè đẽo, cùng nhiều vỏ ốc suối, ốc núi bị chặt đuôi. Loại hình công cụ đá bao gồm: Công cụ rìa ngang, rìa dọc, công cụ hình bầu dục, rìu ngắn, công cụ mảnh và mảnh tước, mang đặc trưng văn hóa Hòa Bình.
Đây là lần đầu tiên xã Minh Tân nói riêng và huyện Vị Xuyên nói chung phát hiện được một di chỉ khảo cổ học hang động thời kỳ đồ đá. Các di vật giúp khẳng định hang Pắc Tà là một địa điểm khảo cổ học có giá trị về mặt văn hóa và lịch sử.
Q. Bách - Tr. Đông
Theo thông tin ban đầu của người dân địa phương (em Hoàng Văn Cường, Chấu Thị Hồng Quế, Hoàng Đỗ Ái - học sinh lớp 6A - trường THCS Vinh Quang) và cán bộ Văn hoá huyện Hoàng Su Phì về việc đã phát phát hiện một số chiếc rìu mài bằng đá ở thôn Quang Tiến, thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì).
Từ ngày 5 đến 8. 2, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành khảo sát đại khu vực có những công cụ trên và phát hiện thêm 1 chiếc rìu mài có vai. Ngoài ra, trong quá trình khảo sát, đoàn còn phát hiện thêm một di chỉ khảo cổ học ngoài trời ở thềm trái suối Na Nhung, thuộc thôn Pắc Và, xã Tân Tiến.
Qua những di vật phát hiện được, Tiến sĩ Nguyễn Trường Đông, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: Hai chiếc rìu mài tứ giác và một chiếc rìu mài có vai phát hiện ở thôn Quang Tiến, thị trấn Vinh Quang thuộc thời kỳ đá mới có niên đại cách ngày nay từ 3.000 đến 4.000 năm. 15 công cụ: Rìa ngang, rìa dọc, ¼ cuội và công cụ mảnh phát hiện được ở suối Na Nhung, thôn Pắc Và thuộc thời kỳ đá cũ có niên đại cách ngày nay từ 10.000- 30.000 năm. Đây là những địa điểm khảo cổ học quan trọng, góp phần vào việc nghiên cứu thời tiền sử ở huyện Hoàng Su Phì nói riêng và Hà Giang nói chung. Với những giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, di chỉ khảo cổ học Quang Tiến và Pắc Và là địa điểm tiềm ẩn những giá trị văn hoá du lịch cần được bảo vệ.
Để tránh những di sản này bị mất, các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch sớm có kế hoạch chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành khảo sát toàn bộ những thềm sông, suối trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì.
[links()]
Quang Bách
Ý kiến bạn đọc