Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ Cái duyên với mảnh đất tột Bắc
Xuân 2015- Nói đến tác giả của những bài hát nổi tiếng như: Tiếng hát giữa rừng Pác Pó, Xa khơi... mang đậm chất trữ tình văn hóa truyền thống dân tộc, làm say đắm triệu triệu con tim, với tình cảm yêu quý kính trọng là tôi nói về Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - Người con của xứ Nghệ, mảnh đất “Địa linh nhân kiệt”.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ (bên trái) với Nhà văn Đặng Quang Vượng. |
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh năm 1936, tuổi Bính Tý, tại xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học, nhiều người đỗ đạt cao. Năm 17 tuổi ông học hết cấp 3, ông đã tham gia sáng tác, biểu diễn văn nghệ ở nhà trường. Sau đó cha ông cho ông ra Hà Nội học tiếp Đại học Âm nhạc... Ra trường ông được phân về Đoàn ca múa nhân dân Trung ương, làm diễn viên hát. Ba năm sau Nguyễn Tài Tuệ được Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, lúc đó là Vụ trưởng Vụ Văn hóa cử lên phụ trách Đoàn văn công Lao – Hà – Yên (gồm các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái). Được đi thực tế, ông có điều kiện tiếp xúc với đồng bào các dân tộc vùng Việt Bắc, được học hỏi nhiều điều về văn hóa đồng bào Tày, Nùng, Dao , Mông v.v... Ông nói: Chính từ được đi thực tế, được tiếp xúc với đồng bào các dân tộc, được nghe các làn điệu dân ca: Then, cọi, lượn... của người Tày, Nùng, dân ca của người Mông... từ các mẹ, các chị, các em hát, mà ông đã có thêm nhiều kiến thức và vốn sống về dân ca miền núi Tây Bắc. Ông kể: Bài hát: “Tiếng hát giữa rừng Pác Pó” ông viết năm 1961 tại Hà Giang, trong thời gian tỉnh Hà Giang đăng cai mở Hội diễn khu vực do Bộ Văn hóa tổ chức. Đêm đó tại nhà khách Tỉnh ủy Hà Giang, ông được biết thời gian trước đó Bác Hồ lên thăm Hà Giang. Đảng bộ và đồng bào các dân tộc Hà Giang được đón Bác trong niềm vui khôn xiết như đón Cha già về với quê hương sau bao năm xa cách. Hà Giang có huyện tiếp giáp với Cao Bằng; có núi rừng trập trùng mây trắng, nương ngô xanh mướt, có suối reo trong mát... Từ nguồn cảm hứng về Bác, với phong cảnh thiên nhiên, con người, văn hóa Hà Giang có gì đó giống Cao Bằng; Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ ngay đêm đó vừa đệm đàn vừa sáng tác cho ra đời “đứa con tinh thần”, bài “Tiếng hát giữa rừng Pác Pó” như vậy. Bài hát đưa lên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam lần đầu được đông đảo nhân dân, đồng bào hết sức khen ngợi, yêu mến cho đến tận ngày nay. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ nói vui: Bốn nươi năm sau khi bài hát trên ra đời, ông mới chính thức được lên thăm Cao Bằng. Những hình ảnh, điạ danh, tên đất, tên làng... trong bài hát rất may là không bị sai tên gọi. Ông cho biết: Thời gian ở Hà Giang là những kỷ niệm đẹp của tuổi trẻ. Ông đã đưa Đoàn văn công Lao – Hà - Yên đi biểu diễn cho đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn trong thời gian bộ đội tiễu Phỉ năm 1959. Dịp đó được chị Thào Thị Mỷ, dân tộc Mông, là cán bộ của huyện Mèo Vạc đi cùng, phiên dịch tiếng đồng bào. Chị Mỷ sau này chính là nhân vật được Nhà văn Tô Hoài viết trong truyện ký của mình. Nhạc sỹ tâm sự: Ông chưa viết được gì cho Hà Giang, đó là một nỗi buồn day dứt cho tới bây giờ. Hàng ngày qua báo, đài, thấy Hà Giang bây giờ thay da đổi thịt rất nhiều. Đó là quy luật. Nhưng cũng phải nói là Trung ương đã quan tâm đúng mức tới miền núi , dân tộc, trong đó có Hà Giang. Đồng bào các dân tộc Hà Giang cần cù, đoàn kết, lao động sáng tạo, tôi tin tưởng nhất định Hà Giang sẽ trở thành tỉnh giàu, mạnh, là “phên dậu” vững vàng nơi biên cương Tổ quốc. Tôi nhất định sẽ lên thăm Hà Giang.
Một mùa Xuân mới đang về trên quê hương, đất nước. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ bước sang tuổi 79, tôi tin ở sức lao động sáng tạo không ngừng của ông như ngày nào.
Xin chúc nhạc sĩ và gia đình đón một mùa xuân mới luôn mạnh khỏe, tiếp tục sáng tác được nhiều những bài hát hay về đất nước, quê hương, trong đó có Hà Giang quê tôi nơi biên cương cực Bắc./.
Nhà văn Đặng Quang Vượng
Ý kiến bạn đọc