Nâng cao trách nhiệm bảo vệ di sản Cao nguyên đá Đồng Văn
BHG- Công viên Địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐCTC – CNĐĐV) là di sản của nhân loại. Nơi đây cùng với các giá trị di sản địa chất, địa mạo còn song hành các giá trị văn hóa, xã hội phong phú và đặc sắc. Vì vậy, nó không chỉ mang trong mình những tiềm năng của một địa chỉ nghiên cứu khoa học, một nơi lưu giữ các giá trị di sản của tự nhiên, xã hội mà còn mang trong mình tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển KT – XH, đặc biệt là ngành du lịch. Do đó, nếu chúng ta không bảo tồn, bảo vệ và phát huy các giá trị vốn có của di sản độc đáo này, vùng đá sẽ càng trở nên khắc nghiệt và khó khăn để vươn lên. Bảo vệ các di sản vì thế trở thành trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi người dân, để mở ra cơ hội phát triển cho chính chúng ta.
Một điểm thông tin về Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn ở huyện Mèo Vạc đã bị những người thiếu ý thức phá. |
Nhận thức được việc cần phải bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản của CVĐCTC - CNĐĐV, những năm qua, các ngành, các cấp, các địa phương và người dân vùng CNĐĐV đã luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về CVĐCTC – CNĐĐV. Chúng ta đã không chỉ ý thức về việc phải giữ vững tư cách thành viên Mạng lưới CVĐCTC mà còn ý thức được việc bảo vệ các giá trị di sản là để bảo vệ chính sự phát triển của vùng đá. Đồng chí Nguyễn Lê Huy, Trưởng BQL CVĐCTC – CNĐĐV cho biết, với nhiệm vụ được giao, những năm qua BQL luôn quan tâm, tham mưu và triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về CVĐCTC – CNĐĐV. Trong điều kiện của một tỉnh còn nhiều khó khăn, kinh phí còn hạn chế, nhưng công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng đã được hướng mạnh về cơ sở. Thông qua các buổi tuyên truyền trực tiếp; thông qua các hình thức như in ấn, cấp phát các tờ rơi, áp phích, sổ tay tuyên truyền về việc gìn giữ, bảo vệ các di sản. Xây dựng video hình ảnh về CNĐĐV; ký kết phối hợp và ký kết đối tác với nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc bảo vệ, khai thác các giá trị di sản. Đặc biệt là việc không ngừng quảng bá hình ảnh CVĐCTC – CNĐĐV trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Cùng với đó, các ngành, các cấp cũng đã chung tay trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho nhân dân về giá trị của di sản CNĐĐV. Đặc biệt là các địa phương gồm 4 huyện vùng CNĐĐV đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, nâng cao nhận thức, bảo vệ các di sản trên vùng CNĐĐV. Qua đó, sự vào cuộc của các cấp, ngành, các địa phương đã góp phần bảo vệ các di sản, tôn vinh niềm tự hào của người dân Hà Giang nói riêng và của cả nước nói chung về di sản CVĐCTC – CNĐĐV.
Bên cạnh những nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản CNĐĐV của các cấp, ngành, các địa phương, ở một vài nơi vẫn còn chưa thực sự vào cuộc với công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao trách nhiệm trong quản lí, bảo vệ và phát huy di sản. Một số nơi, cán bộ, đảng viên và người dân vẫn chưa thực sự có được nhận thức đầy đủ về trách nhiệm phải tham gia bảo vệ các di sản chung. Do đó, có người vẫn chưa thực sự hiểu được thế nào là CVĐCTC và các giá trị di sản đó có tầm quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của vùng. Do thiếu sự tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, có nơi đã để xảy ra tình trạng người dân đập phá đá ở một số địa điểm ngắm cảnh, đập nhũ đá ở hang động mang về nhà; phá rừng tự nhiên, gây ảnh hưởng cho hệ sinh thái; hoạt động sản xuất ảnh hưởng đến môi trường; phá hỏng các điểm cung cấp thông tin, chỉ dẫn về di sản CNĐĐV; phá, làm hư hỏng, sai lệch các biển báo giao thông...
Đến nay qua điều tra, khảo sát, các nhà khoa học địa chất đã xác định 193 điểm di sản địa chất trên CNĐĐV. Các di sản được phân bố ở 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh. Với nỗ lực quản lí, bảo vệ các di sản, công tác rà soát, lập hồ sơ danh sách các di sản đã được BQL CVĐCTC – CNĐĐV thực hiện tích cực cùng với sự hỗ trợ của các nhà khoa học, các chuyên gia địa chất. Để thực hiện trách nhiệm quản lí, BQL CVĐCTC – CNĐĐV đã và đang bàn giao các di sản cho các địa phương quản lí nhằm có thể bảo vệ và phát huy tốt nhất tiềm năng, giá trị của các di sản.
Qua bài viết, chúng tôi muốn gửi thông điệp đến các ngành, các địa phương và mỗi người dân, chúng ta hãy cùng chung tay, góp sức trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của CVĐCTC – CNĐĐV, để từ đó không chỉ thực hiện tốt các tiêu chí, khuyến nghị của Mạng lưới CVĐCTC mà còn thực sự góp phần cho sự phát triển vững bền của vùng đá Cao nguyên.
HUY TOÁN
Ý kiến bạn đọc