Khám phá miền trầm tích cực Bắc
Kỳ II: Bức phù điêu nơi "Tột Bắc" Séo Lủng?
BHG - Lũng Cú là điểm khám phá nằm trong chương trình của Đoàn công tác. Chúng tôi vượt qua xã Lũng Táo rồi Ma Lé là đễn xã Lũng Cú( Đồng Văn). Trời vẫn mưa phùn. Xe đi trong màn sương mù dày đặc. Từ xa nhìn về hướng Bắc đã lộ ra khoảng trời sáng nhờ, trước mắt chúng tôi là cột cờ Tổ quốc trên núi Rồng thiêng liêng, lá cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay.
[links()]
Nơi đây đã chứng kiến thời Bắc thuộc, sử sách truyền lại sau khi chủ động tấn công ngăn quân xâm lược phương Bắc sang tận Ung Châu, Tướng quân Lý Thường Kiệt trở về qua biên ải hội quân, ông cắm một lá cờ xuống đỉnh núi Rồng và nói đại ý: Đất này là của cha ông ta. Nơi đây là máu thịt của Tổ quốc, dù phải đổ máu, chúng ta phải giữ gìn. Còn Vua Quang Trung sau khi đại phá quân Thanh, đất nước yên bình, ông truyền cho một chiếc trống đồng đưa lên Lũng Cú để đồng bào các dân tộc đánh trống mở hội vui xuân.
Trong những năm qua sau khi cột cờ Tổ quốc ở Lũng Cú được xây dựng trang nghiêm trên đỉnh núi Rồng, hầu hết các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và đồng bào cả nước, kiều bào ở nước ngoài, người nước ngoài đã lên thăm cột cờ Lũng Cú, biểu tượng chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam nơi cực Bắc biên cương. Hai bên dưới chân núi Rồng thật ngẫu nhiên có 2 chiếc hồ lớn nước không bao giờ cạn. Một bên là làng gồm Lô Lô Chải, chủ yếu đồng bào Lô Lô ; một bên là làng Thèn Pả , 100% đồng bào Mông sinh sống. Hai làng bà con đã sống hàng ngàn đời ở đây, họ bám đất, bám làng để cấy lúa, trồng ngô xây dựng cuộc sống và bảo vệ biên cương Tổ quốc. Núi Rồng, hai hồ nước dưới chân núi luôn gắn liền với truyền thuyết có một con Rồng khi xuống trần gian thấy nhân dân vùng Lũng Cú đói khổ, không có nước sinh sống, bản làng sơ xác, Rồng đã để lại đôi mắt làm hồ chứa nước cứu sinh cho đồng bào. Núi Rồng, hồ nước hôm nay đã trở thành một điểm du lịch lịch sử, văn hóa thiêng liêng và hấp dẫn trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn) |
Sau khi trao đổi nội dung công việc với lãnh đạo xã Lũng Cú, các anh rất vui và cử người đi cùng, đưa chúng tôi đi khám phá những điểm di sản mới. Điểm đầu tiên là đến một hang gần dưới chân Cột cờ Lũng Cú. Phải leo dốc gần như dựng đứng khoảng hơn 20 mét trong trời mưa phùn và đường trơn, cỏ rậm lẫn đá từ xa chúng tôi đã thấy những vệt khói lơ lửng bay lên. Anh cán bộ xã bảo:
- Hang đấy. Miệng cửa hang đấy!
Chúng tôi hăm hở trèo lên. Trông thì gần nhưng trèo thì lâu đến toát cả mồ hôi. Té ra không phải miệng hang mà là các kẽ đá bị nứt, hơi nước trong hang nóng bay lên, gặp không khí lạnh ngưng tụ thành khói... Còn miệng hang thì lại ở phía dưới cách đó gần 10 mét. Chúng tôi lần xuống và vào được hang. Cửa hang rậm rạp cây cỏ lút người, rộng chừng hơn 2 mét, hơi tối, nhưng cũng đủ nhìn thấy những nhũ đá rất đẹp hiện ra. Dưới lòng sâu của hang tiếng nước chảy rầm rầm… Anh Vàng Mí Lùng , dân tộc Mông, người con của thôn Thèn Pả xã Lũng Cú, kỹ sư nông nghiệp, cán bộ phòng địa chính xã đi cùng nói với chúng tôi:
- Hang này người ta phát hiện từ lâu nhưng chẳng ai dám xuống, sợ nguy hiểm. Vào mùa nước lên, đứng cửa hang đã thấy tiếng nước reo ầm ầm hướng chảy ra sông Nho Quế giáp với Trung Quốc. Nếu khám phá mà đưa hang này vào làm du lịch thì thật tuyệt rồi.
Chúng tôi vào sâu trong hang bỗng thấy ấm hẳn người lên. Có người phải cởi áo khoác. Tiến sĩ Cao Vũ Minh ( Viện Địa chất Việt Nam) bảo: Chúng ta đặt tên cho hang này là Hang Ấm. Được không? Tất cả mọi người cùng cười và tâm đắc câu nói đó: Hang Ấm.
Mọi người dành thời gian khám phá Hang Ấm nhưng không đi sâu vào được vì thiếu ánh sáng. Hang đủ rộng cho nhiều người vào thăm. Có nhiều nhũ đá với nhiều hình thù khác nhau. Nếu có đèn điện chắc chắn Đoàn sẽ vào sâu hơn để khám phá bí ẩn mới của Hang Ấm. Nơi đây theo dự kiến của Viện Địa chất và BQL Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ là điểm nhấn du lịch rất tốt ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú.
Theo chân anh Vàng Mí Lùng, Đoàn chúng tôi tiếp tục đi vào thôn Séo Lủng – mảnh đất “ Tột Bắc” của Tổ quốc Việt Nam. Con đường đến thôn Séo Lủng giờ đã được mở rộng rải nhựa từ Thèn Pả vào khoảng 3 cây số. Séo Lủng đây rồi.! Mảnh đất “Tột Bắc” của Tổ quốc thiêng liêng đây rồi! Trước đây chúng tôi chỉ được ngắm trên bản đồ của Tổ quốc, giờ mảnh đất thiêng liêng , máu thịt Tổ quốc truwocs mặt chúng tôi. Đi thêm khoảng 1 cây số đường đất nữa chúng tôi đến sát biên giới phần nhô lên cao như chóp nón trên bản đồ Việt Nam là đây. 5 ngọn núi nối liền nhau trải dài dọc biên cương Tổ quốc, giáp với đất Trung Quốc, ngọn núi to hơn cao hơn người dân nơi đây gọi là núi Mẹ. Núi Mẹ uy nghiêm mà mộc mạc, bao dung bên những núi con trùng điệp, làm phên dậu, lũy thép che chắn cho đất nước - Tổ quốc yêu thương đã mấy ngàn năm. Lòng chúng tôi bồi hồi xao xuyến. Trái tim đập rộn ràng…Ai cũng thấy niềm tự hào thiêng liêng khi được đứng tại nơi Tột Bắc - Séo Lủng này. Dưới chân chúng tôi đứng là con sông Nho Quế sâu hun hút, vách núi dựng đứng chảy từ Trung quốc về qua Mèo Vạc Hà Giang sang huyện Đồng Văn rồi xuôi về vùng sông Gâm, qua huyện Bắc Mê. Biên giới Việt – Trung ở Séo Lủng được phân chia bởi con sông Nho Quế dựng thành vách đá lởm chởm, trơ chọi. Bên kia biên giới là huyện Phú Linh (Trung Quốc). Những năm qua Trung quốc đã ngăn sông Nho Quế làm thủy điện, lòng sông chảy về đất Việt Séo Lủng cạn dần trơ gềnh thác đá. Bên này là xóm Séo Lủng, xã Lũng Cú huyện Đồng Văn - Hà Giang. Anh Vàng Mí Lùng tâm sự:
Nhà trình tường là một trong những nét sinh hoạt độc đáo của người dân Cao nguyên đá |
- Ngày còn nhỏ, anh và các bạn thường xuống sông Nho Quế tắm, bắt cá, bắt chim, bẫy thú rừng, ngắm nhìn những đàn khỉ chí chóe chuyền cành trong những khu rừng rậm rạp, tiếng chim kêu râm ran, phong cảnh thật đẹp. Từ khi Trung Quốc khai thác chặn sông Nho Quế, rừng cây kạn kiệt, nguồn nước cạn dần, cảnh, chim, thú cũng vắng bóng, trông thật cô đơn…Thôn Séo Lủng có 47 hộ chủ yếu đồng bào Mông, trên 50 % số hộ còn nghèo. Sản xuất của bà con chủ yếu trồng ngô vì thiếu nước. Nước ăn trước đây phải xuống lấy tận dưới sông Nho Quế đi xa 3- 4 cây số. Bà con Séo Lủng bao đời nay vẫn bám làng để sống và bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Đứng ở Séo Lủng, tôi bỗng nhớ đến bài viết “ Mỏm Tột Bắc” của cố nhà văn Nguyễn Tuân khi ông lên Lũng Cú năm 1960. Nhà văn đã treo tấm bản đồ Việt Nam lên tường nhà một gia đình, ông lấy một sợi dây điểm đặt chính Bắc từ mỏm Séo Lủng thả theo phương thẳng đứng, điểm cuối của sợi dây trùng điểm chót phía Nam Mũi Cà Mau. Ông thốt lên: Sao trùng khít đến thế. Đây mới là điểm Tột Bắc.
Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi cũng đã được đến các điểm : Tột Đông Bắc - Trà Cổ ở Móng Cái ( Quảng Ninh); điểm Sa Vĩ Tột phía Nam ở Cà Mau. Sự liên tưởng ấy tôi nghĩ đến nếu ở Tột Bắc xóm Séo Lủng - Lũng Cú - Hà Giang mà xây dựng được bức Phù Điêu điểm tột cùng biên giới Quốc gia phía Bắc như các tỉnh trên thì tự hào, hạnh phúc biết bao. Bức phù điêu ấy có hình ảnh người chiến sĩ bộ đội cùng dân quân và đồng bào các dân tộc đứng hiên ngang dưới lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam nơi Tột Bắc. Và đây sẽ là điểm du lịch lịch sử - văn hóa hấp dẫn nhất cho đồng bào ta đến thăm với niềm tự hào dân tộc. Ý nghĩ ấy của tôi được các thành viên trong Đoàn công tác khen rất hay, có ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa và là một thành công của Đoàn công tác trong chương trình khám phá điểm “ nhấn” di sản địa – văn hóa lần này. Mong muốn tỉnh Hà Giang cũng như các cấp có chức năng ở Trung ương ủng hộ.
[links()]
Bút ký của Nhà văn Đặng Quang Vượng
Ý kiến bạn đọc