Đổi mới toàn diện Giáo dục ở Xín Mần: Vừa làm - vừa học
HGO - Đã kết thúc 1 học kỳ năm học 2014 -2015, nhưng chất lượng học tập của học sinh, khả năng chuyển tải kiến thức của đội ngũ giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy, gánh nặng đứng lớp... vẫn còn nhiều điểm chưa thể thống nhất, chưa tìm ra đâu là “khung chuẩn” cho sự đổi mới toàn diện giáo dục theo mục tiêu đề ra.
Thực trạng của giáo dục Xín Mần trước yêu cầu đổi mới.
Phải mất khá nhiều thời gian để khảo sát tình hình thực tiễn việc dạy và học của thầy và trò trong các trường Tiểu học trên địa bàn huyện để tìm lời giải cho công tác đổi mới toàn diện giáo dục năm học 2014 – 2015. Điều muốn nói qua bài viết chỉ mang tính phản ánh thực tiễn nhằm trao đổi, tìm giải pháp đưa giáo dục phát triển theo đúng mục tiêu là “phát triển con người, nguồn lực chính để xây dựng tương lai”. Có nhiều điều “chưa rõ nét” trong cả việc dạy của thầy đến khả năng tư duy nhận thức của học sinh. Khảo sát thực tiễn ở Xín Mần, một giáo viên đứng lớp xã Thèn Phàng mạnh dạn cho biết: Đã qua học kỳ 1, các thầy, cô giáo đứng lớp mỗi người 1 phương pháp lên lớp, 1 cách chuyển tải kiến thức khác nhau. Vì mỗi giáo viên có 1 khả năng nhận thức, khả năng chuyển tải riêng cũng như chưa có cơ sở nào được chọn làm “điểm chung, chuẩn thống nhất” trong phương pháp giảng dạy. Nội dung chính trong đổi mới giáo dục lần này là lấy “học sinh làm trung tâm” thầy, cô giáo chỉ là người trung gian hướng dẫn và gợi mở cho học sinh tư duy. Thế còn công tác tập huấn kiến thức trước khi vào năm học?
Học sinh thôn Lao Sán, xã Ngán Chiên trong giờ ra chơi. |
Vẫn là hình thức chung chung (nói như nọi dung đổi mới là: Phương pháp “mở”. Điều này ví như ta mở 1 trang sách ra rồi tập hợp các em học sinh lại nêu vấn đề trong trang sách viết gì, nói gì; sau đo, học sinh tự suy nghĩ, tự trả lời. Một nhóm thầy cô trực tiếp đứng lớp tại xã Bản Ngò cũng đưa ra suy nghĩ tương tự như tâm sự cửa cô giáo xã Thèn Phàng. Tiếp tục hỏi: Thế công việc của thầy cô là nhận xét học sinh thay cho chấm điểm được ghi nhận ra sao? Rất mệt, bình quân mỗi lớp có 25 học sinh, bình quân 1 tháng thầy cô phải nhận xét ít nhất là 5 lần/học sinh, nhân với 25 học sinh thì phải nhận xét lên tới 125 lần/lớp/tháng (theo hướng dẫn của Thông tư 30 của Bộ Giáo dục). Chỉ cần ghi nhận xét mỗi học sinh 3 phút đã mất gần 2 giờ đồng hồ/buổi dạy học. Chưa hết, vẫn còn 1 loạt sổ sách cần ghi chép tỉ mỉ, làm như vậy thì lấy đâu thời gian để nghiên cứu hay sáng tạo nữa.
Còn về phía các em học sinh được hỏi, bỏ chấm điểm, không học bài tại nhà... Đa số các học sinh cho rằng, chấm điểm mới biết được sức học của các em đến đâu. Còn không ôn bài ở nhà cũng có nghĩa là “lơi lỏng” kiến thức tích lũy được trên lớp. Và thấy rất khó, khi tự các em đánh giá về một công việc, hay 1 vấn đề nào đó thì không biết dựa vào thang điểm hoặc mức độ nào để đưa ra kết luận cho đó là đáp án đúng, đáp án chuẩn...
Vừa làm – Vừa học!?
Nói về đổi mới toàn diện giáo dục hiện nay, không riêng gì ngành Giáo dục Xín Mần lúng túng. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, thì đổi mới toàn diện giáo dục làm nền giáo dục cả nước lúng túng. Còn đối với giáo dục Xín Mần hay giáo dục vùng cao, vùng sâu nói riêng càng gặp “bội phần” khó khăn, lúng túng hơn. Bởi lẽ, Xín Mần là huyện nghèo nằm trong 30a, đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây còn vô cùng khó khăn. Duy trì được trên 16.000 học sinh các cấp học, bậc học; mỗi em, mỗi nhà cách nhau nửa quả núi, đường mòn lắt léo đến trường thường xuyên đã quá vất vả. Các thầy, cô giáo nơi đây cho rằng: Đổi mới giáo dục hiện nay, đã và đang là thách thức rất rất lớn cho ngành giáo dục vùng cao. Bởi lẽ, các thầy, cô nơi đây “phải bắt đầu làm lại từ đầu theo cách: Vùa làm - vừa học”. Hơn bao giờ hết, các cấp, ngành chức năng cần cân nhắc tìm ra giải pháp, hướng đi cụ thể để công tác đổi mới toàn diện giáo dục ở Xín Mần nói riêng, cả nước nói chung đạt được hiệu quả.
NGUYỄN HÙNG
Ý kiến bạn đọc