Địa chỉ tạo nguồn lao động tay nghề cao
Xuân 2015- Nhiều năm qua, lực lượng lao động có nghề đã góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình và xã hội. Các học viên thuộc thành phần học nghề phi nông nghiệp như: Điện dân dụng, kỹ thuật gò, hàn, sửa chữa xe máy, sửa máy nông, lâm cụ... Sau khi ra trường nhiều học viên đã có việc làm ổn định, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Các lớp dạy nghề đã góp phần khôi phục lại các cơ sở sản xuất nghề truyền thống, tạo việc làm, thu hút lao động, bảo tồn và phát huy văn hoá các dân tộc.
Học viên lớp Cao đẳng điện công nghiệp thực hành lắp mạch điện vận hành 3 băng tải. |
Chỉ tính riêng 5 năm qua, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho hàng chục nghìn lao động. Từ các hệ Cao đẳng nghề; Trung cấp nghề; Sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng. Những con số lao động được đào tạo đủ nói lên hoạt động đầy năng động, sáng tạo của các Trung tâm dạy nghề, các trường đào tạo nghề của tỉnh nhà.
Trường Cao đẳng Nghề Hà Giang - nơi đào tạo lao động chất lượng cao của tỉnh - sau 3 năm được thành lập và được Tổng Cục dạy nghề cho phép đào tạo với quy mô “liên thông” ở cả ba cấp học, gồm: Cao đẳng, Trung cấp và Sơ cấp với 35 chương trình đào tạo. Một bước tiến nhảy vọt so với một tỉnh còn nghèo, còn khó khăn và nhất là mặt bằng dân trí trên địa bàn còn thấp. Những mô hình đào tạo phù hợp với các tầng lớp nhân dân và người lao động hiện nay. Trường Cao đẳng Nghề Hà Giang đã cung cấp nhiều lao động có tay nghề cao để phục vụ cho lao động công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn miền núi nói chung và các khu chế xuất, khu công nghiệp, xuất khẩu lao động nói riêng.
Học viên lớp sửa chữa ô tô thực hành bảo dưỡng máy. |
Đến trường Cao đẳng Nghề Hà Giang, xuống thăm từng lớp học, từng Khoa, Phòng, nghe và nhìn những học sinh đang đón nhận những tiến bộ, khoa học, kỹ thuật mới thấy sự phấn đấu của trường trong quá trình truyền thụ kiến thức nghề và chất lượng lao động ra trường. Trường cũng đã tiến hành cử cán bộ, giảng viên xuống từng cơ sở, các Trung tâm dạy nghề của các huyện để tham gia nhiều hội nghị, hội thảo của người lao động, nắm bắt những nghề thiết thực, phục vụ cho phát triển kinh tế gia đình và những vùng miền hàng hoá tại địa phương. Những năm qua, trường đã đào tạo theo đúng nghề, đúng chương trình được cấp phép và đăng ký. Xây dựng kế hoạch có tính thực tiễn cao, chủ động liên kết, phối hợp với doanh nghiệp cho học sinh tiếp cận thực tế. Trường thực hiện chương trình phối hợp với Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới của tỉnh, tham gia đào tạo nghề cho lao động Nông thôn, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng Nông thôn mới, phù hợp với giai đoạn hiện tại.
Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu được giao, Trường Cao đẳng Nghề Hà Giang đã hoàn chỉnh 35 Mã nghề và chương trình đào tạo, có đủ điều kiện đáp ứng dạy nghề, truyền nghề và kiến thức cho người lao động. Cùng với sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp huyện để tuyển sinh đào tạo nghề ở các trình độ đào tạo đã được cấp phép. Năm 2014, nhà trường tuyển sinh hệ Cao đẳng nghề được 350 sinh viên, Trung cấp nghề 450 học sinh và Dạy nghề ngắn hạn 560 học sinh. Với quyết tâm nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy của cán bộ, giáo viên, nhà trường đã cử 1 giáo viên đi học tiến sĩ, 6 giáo viên đi học sau đại học, 2 giáo viên theo học các lớp đại học chuyên ngành, 19 người tham gia bồi dưỡng sư phạm dạy nghề; đào tạo được tổng số 1.323 người lao động; phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải tổ chức sát hạch cho 185 học viên học lái xe ô tô tại Trung tâm sát hạch lái xe Bình Vàng; phối hợp với Công an tỉnh đào tạo lớp tiếng Trung trình độ A,B,C cho 25 cán bộ, sĩ quan trong ngành; phối hợp quản lý 1 lớp Đại học Lâm nghiệp do Trường Đại học Lâm nghiệp đặt tại trường với 63 sinh viên. Đặc biệt, nhà trường đã khảo sát, tìm đầu ra cho lao động đã qua đào tạo và hướng tới liên kết đạo tạo với các trường, đồng thời ký kết với các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thống nhất đào tạo nguồn lao động theo địa chỉ và đưa học viên đến thực hành nghề; xin chủ trương tăng cường liên kết đào tạo nâng cao trình độ sư phạm kỹ thuật, kỹ năng thực hành nghề cho đội ngũ giáo viên... Và để mang lại chất lượng đào tạo cao, nhà trường đã không ngừng động viên cán bộ, giáo viên tham gia xây dựng đề tài, sáng kiến, bổ sung nguồn tài liệu, giáo trình phục vụ cho việc dạy và học nghề; xây dựng kế hoạch, tổ chức biên soạn giáo trình với trình độ Cao đẳng, Trung cấp, phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh.
Bằng sự cố gắng vươn lên hoàn thành nhiệm vụ và mục tiêu đào tạo, trường Cao đẳng Nghề Hà Giang xứng đáng là “Nơi gõ cửa mùa Xuân” trên vùng Cực Bắc Tổ quốc./.
HỮU THỤY
Ý kiến bạn đọc