Những điểm mới trong Luật Quốc phòng năm 2018
Những nội dung chính được sửa đổi, bổ sung trong Luật Quốc phòng năm 2018 cũng như bước phát triển mới của Luật Quốc phòng năm 2018 thể hiện trên hai vấn đề cơ bản sau. Trước hết, nói về bố cục, Luật Quốc phòng năm 2018 gồm 7 Chương, 40 Điều; giảm 2 Chương, 11 Điều so với Luật Quốc phòng năm 2005; bảo đảm tính hệ thống, lô-gíc, khoa học, minh bạch, dễ áp dụng trong tổ chức thực hiện.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung, Luật Quốc phòng năm 2018 đã bổ sung nhiều quy định mới tạo hành lang pháp lý để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Một số quy định mới, quan trọng, cốt lõi của Luật Quốc phòng năm 2018 được bổ sung, đó là: Chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ và phát triển công nghiệp quốc phòng, để phù hợp với cách mạng khoa học, công nghệ lần thứ 4 (cách mạng 4.0); quy định về phòng, chống chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng; quy định về phòng thủ quân khu; quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; quy định về đối ngoại vào trong xây dựng tiềm lực khu vực phòng thủ; quy định về bình đẳng giới trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; quy định về tính lưỡng dụng trong các dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn và công trình khác để sẵn sàng chuyển sang phục vụ quốc phòng, phòng thủ dân sự; quy định về Ban Chỉ huy Quân sự Bộ, ngành Trung ương, để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy Quân sự Bộ, ngành Trung ương; quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân trong thực hiện lệnh thiết quân luật, giới nghiêm để phù hợp với Hiến pháp năm 2013; quy định về chức năng, nhiệm vụ Quân đội nhân dân; quy định về bảo đảm nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính, tài sản phục vụ quốc phòng, bảo đảm phục vụ quốc phòng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại theo hướng toàn diện hơn; quy định về nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng trong duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, các cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để thống nhất với Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân; quy định về nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, đối ngoại quốc phòng, kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về quốc phòng, phòng thủ dân sự; quy định mới về Bộ Quốc phòng tham mưu, giúp việc Hội đồng Quốc phòng và An ninh cho phù hợp với nhiệm vụ của Hội đồng Quốc phòng và An ninh quy định tại khoản 2, Điều 89, Hiến pháp năm 2013; thu hút, nâng cao hiệu lực pháp lý một số quy định mang tính nguyên tắc quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng vào trong Luật Quốc phòng năm 2018.
Lê Lâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc