Sân chơi cho trẻ em vấn đề cần quan tâm
HGĐT- Hiện nay, trên địa bàn thành phố, tìm kiếm được nơi vui chơi giải trí, bổ ích, an toàn sau giờ học là mơ ước của rất nhiều bậc phụ huynh và học sinh.
Nhu cầu của trẻ em là được vui chơi, được vận động, trong khi đó nhiều năm nay các khu vui chơi, nhất là khu vui chơi giải trí miễn phí cho trẻ chưa đáp ứng được yêu cầu, thậm chí còn thiếu những nơi vui chơi công cộng theo sự phát triển chung của toàn xã hội. Theo số liệu của cơ quan chức năng, hiện nay toàn thành phố Hà Giang có hơn 9000 trẻ em độ tuổi từ 3 -16.
Hoạt động vui chơi góp phần phát triển, hình thành nhân cách cho trẻ nhỏ và học sinh, ở mỗi bậc học, các em có nhu cầu sân chơi khác nhau theo từng giai đoạn phát triển. Trên địa bàn hiện nay chỉ có một vài khu vui chơi giải trí, nhưng chủ yếu vui chơi vào dịp hèvà không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện đưa con em mình đến thường xuyên. Khu vui chơi miễn phí cho trẻ hiện nay hầu như không có, trong các trường học mầm non, tiểu học cũng có khu vui chơi ngoài trời cho các em nhưng cũng chỉ là trong giờ học tập ít ỏi với các trò chơi ngoài trời như: đu quay, cầu trượt, đạp xe... nhưng với không gian và thời gian hạn chế... Đặc biệt là lứa tuổi tiểu học rất cần sân chơi, đây là giai đoạn cho trẻ phát triển cả về thể chất và trí tuệ vì các em đã học cả ngày trong trường nên rất cần vui chơi sau những giờ học căng thẳng. Tuy nhiên nhiều trường học, sân chơi còn nghèo nàn, thiếu các trang thiết bị cần thiết; còn những điểm vui chơi giải trí bên ngoài trường học dành cho trẻ cũng rất ít. Trên địa bàn thành phố có một số khu vui chơi giải trí công cộng nhưng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, không thể đáp ứng hết nhu cầu vui chơi của trẻ trên địa bàn Thànhphố. Hầu hết là những khu vui chơi mang tính chất dịch vụ, thương mại. Quảng trường 26/3 được coi là “sân chơi miễn phí” cho tất cả các thành phần, lứa tuổi trên địa bàn, từ khi khánh thành đến nay, mặc nhiên trở thành điểm vui chơi, vì ở đây là trung tâm thành phố, có không gian thoáng mát, rộng rãi, trẻ em được chạy nhảy, nô đùa, vui chơi thỏa thích nhưng cũng chỉ trong một khoảng thời gian và không gian nhất định. Bên cạnh đó, do ý thức của một số người còn kém, đến đây để tụ tập, mang theo đồ ăn, thức uống, hút thuốc lá đã để lại một lượng rác thải không nhỏ và gây ô nhiễm môi trường trong sạch, một số người khác còn dẫn theo cả động vật nuôi đi theo. Mặt khác, không có sự ngăn cách nhất định với đường phố, không có hàng rào chắn, có 3 tuyến phố bao quanh với mật độ phương tiện lưu thông khá nhiều, tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn nghiêm trọng đối với trẻ em và mọi người. Chị Nguyễn Thị Thuận - phụ huynh ở tổ 15 phường Minh Khai tâm sự: làm cha mẹ, muốn cho con học trong môi trường rộng rãi thoáng mát và được tham gia các trò chơi mà ở lứa tuổi các cháu ưa thích, phù hợp có như vậy các cháu mới phát triển toàn diện được. Tâm sự của chị Thuận cũng là mong muốn của nhiều bậc phụ huynh khác. Vào những buổi chiều, một số con phố, ngõ nhỏ nơi ít phương tiện giao thông qua lại được các em biến thành những điểm vui chơi, thể thao như đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông hay tập đi xe đạp... Thiếu các dịch vụ giải trí đúng nghĩa và không gian vui chơi lành mạnh nên không ít trẻ em, học sinh đã chọn quán điện tử, internet làm sân chơi với các trò game bạo lực, nhiều em vì mải mê với các trò chơi điện tử quên ăn, quên ngủ, khiến cho tinh thần và sức khỏe đều bị ảnh hưởng, học hành sa sút.
Xã hội càng phát triển, nhu cầu của cuộc sống tăng lên, rất nhiều những hệ lụy xuất phát từ việc không đáp ứng kịp yêu cầu của cuộc sống. Đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn nhận đúng đắn về vấn đề sân chơi lành mạnh, bổ ích, đúng nghĩa và hợp lý cho những thế hệ tương lai của đất nước. Song để làm được điều này, không chỉ riêng trách nhiệm của mỗi gia đình mà rất cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội.
Ý kiến bạn đọc