TP-150 Chiếc máy bay huấn luyện đầu tiên sản xuất tại Việt Nam
Ngày 19/12/2024, tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, chiếc máy bay huấn luyện mang ký hiệu TP-150 đã được Công ty Flying Legend Vietnam lần đầu ra mắt công chúng. Đây cũng là chiếc máy bay huấn luyện và tuần tra đầu tiên được gắn nhãn... "made in Việt Nam"; qua đó thể hiện khát vọng làm chủ công nghệ, làm chủ bầu trời của người Việt...
Từng có hàng chục năm công tác trong ngành Phòng không - Không quân, ở tuổi 50, ông Trần Hải Đăng, đã có một quyết định... không giống ai: Thành lập công ty và... tìm cách sản xuất chiếc máy bay huấn luyện-tuần tra đầu tiên ngay tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoài Nam - đồng sáng lập của Flying Legend Vietnam cho biết, từ năm 2023 ông cùng nhóm bạn cùng là kỹ sư hàng không đã lên ý tưởng sản xuất máy bay tại Việt Nam và rất may mắn khi tìm được đối tác đến từ Italy sẵn sàng chuyển giao công nghệ-thiết kế.
Trên cơ sở này, tháng 11/2023, Công ty Flying Legend Vietnam được thành lập với vốn điều lệ 500 triệu đồng, trụ sở chính tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Hoạt động kinh doanh chính là sản xuất máy bay, tàu vũ trụ và máy móc liên quan.
Công ty có 3 cổ đông sáng lập. Ngoài ông Đăng giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị còn có các ông Nguyễn Hoài Nam, Giám dốc Kỹ thuật và ông Nguyễn Thao.
Một thời gian sau, bản thiết kế của TP-150 được các kỹ sư của hãng Flying Legend Italy chính thức hoàn thiện. Động cơ, cánh quạt và thiết bị điện tử của các nước phương Tây. Đáng chú ý, phần còn lại bao gồm các cấu trúc thân, cánh, càng và phụ kiện được sản xuất và lắp ráp hoàn toàn tại nhà máy của Flying Legend Vietnam ở tỉnh Vĩnh Phúc. Máy bay đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cao trong lĩnh vực hàng không.
Các kỹ sư của Flying Legend Vietnam bên chiếc TP-150 - máy bay tuần tra đầu tiên được lắp ráp tại Việt Nam. |
Trên website Công ty Flying Legend - nhà sản xuất máy bay của Italy - thông báo về việc hợp tác với Flying Legend Việt Nam sản xuất TP-150: "Sau 1 năm thỏa thuận hợp tác với các đối tác tại Việt Nam, với rất nhiều nỗ lực, chúng tôi bắt đầu sản xuất máy bay và đưa sản phẩm máy bay huấn luyện quân sự TP-150 trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra tại Hà Nội. Chúng tôi tự hào có mặt tại đây và giới thiệu công ty máy bay đầu tiên có thể chế tạo máy bay tại Việt Nam".
TP-150 CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Nhà sáng lập, Giám đốc Kỹ thuật công ty Cổ phần Flying Legend Vietnam, tên viết tắt của máy bay TP-150 có nghĩa là huấn luyện và tuần tra (Trainer & Patrol).
Đây là loại máy bay phù hợp cho huấn luyện huấn luyện sơ cấp hay mục đích thể thao. Khi lắp thêm các thiết bị như camera quang hồng ngoại (EO/IR), Radar khẩu độ tổng hợp (SAR) máy bay có thể thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới hoặc giám sát bờ biển. Các máy bay này chủ yếu sẽ được xuất khẩu sang các thị trường Nam Mỹ, Bắc Phi và khu vực châu Á Thái Bình Dương, phần lớn sử dụng trong lực lượng không quân của các nước.
"Hệ thống cánh quạt và động cơ được nhập khẩu 100% từ Mỹ, cùng với hệ thống dẫn đường. Tuy nhiên, toàn bộ khung, vỏ, ghế và các thiết bị sửa chữa khác đều được sản xuất tại Việt Nam. Dù khó để xác định chính xác mức độ nội địa hóa, chúng tôi tự tin rằng sản phẩm này có tỷ lệ nội địa hóa cao", ông Nam thông tin với phóng viên.
Tính năng kỹ thuật
Máy bay được chế tạo hoàn toàn bằng hợp kim nhôm và trang bị hệ thống càng thu thả được. TP-150 có khả năng cất hạ cánh trên nhiều bề mặt đường băng khác nhau.
Về tính năng kỹ thuật, TP-150 là máy bay huấn luyện sơ cấp với trần bay khoảng 7.000 m, tốc độ cất cánh 100 km/giờ, vận tốc tối đa 300 km/giờ.
Thiết kế của TP-150 cũng cho phép máy bay thực hiện các động tác nhào lộn trên không hoặc bay theo đội hình.
Sử dụng xăng A95
Động cơ cánh quạt 915iS - 150HP do Mỹ chế tạo có mức tiêu thụ nhiên liệu tối ưu, bảo đảm cho các nhiệm vụ bay tầm xa, bay trần cao. Đặc biệt, mẫu động cơ này có thể sử dụng các nhiên liệu thông thường, điển hình như xăng A95.
Máy bay TP-150 có thiết kế hai chỗ ngồi, trọng lượng cất cánh tối đa 750 kg.
TP-150 có thể tích hợp được các hệ thống như: Dù khẩn cấp, thùng nhiên liệu phụ và hệ thống tuần tra giám sát (EO/IR và SAR radar).
Theo Nhân Dân Điện tử
Ý kiến bạn đọc