Xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển
Ngày 26/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển. Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển được cấp cho các địa phương thành phố Hải Phòng (xuất bến) và các tỉnh Phú Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau (mở bến).
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh, thuyền trưởng của 12 chuyến tàu Không số trao tặng kỷ vật đường Hồ Chí Minh trên biển cho Bảo tàng Phú Yên. |
Đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong những phát kiến xuất sắc của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. “Đường Hồ Chí Minh trên biển” là tên gọi của tuyến đường vận tải quân sự do Hải quân Nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên Biển Đông trong chiến tranh, để vận chuyển vũ khí, cán bộ từ miền Bắc vào chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam, trong kháng chiến chống Mỹ.
Để kịp thời chi viện cho các chiến trường, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam, sau khi nghiên cứu, thử nghiệm, rút kinh nghiệm và chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn Vận tải quân sự 759 (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay), mở tuyến đường vận tải chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển.
Trong suốt 14 năm liên tục (từ năm 1961 cho đến ngày toàn thắng lịch sử 30/4/-1975), Đoàn tàu Không số đã làm nên con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển, tạo ra một hướng tiếp tế chiến lược hết sức quan trọng. Đường Hồ Chí Minh trên biển không chỉ là huyền thoại, không chỉ là kỳ tích mà còn là sự sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh, và đã trở thành một thiên anh hùng ca bất tử. Những chiến công của tuyến đường huyền thoại trên biển chính là những kỳ tích lịch sử, được làm nên bởi trí tuệ, lòng yêu nước, sức mạnh của ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, của khát vọng hòa bình, khát vọng về một ngày mai tươi sáng.
Tại Phú Yên nhận nhiệm vụ Trung ương Đảng giao, tháng 7/1964 đã quyết định thành lập bến Vũng Rô. Bến Vũng Rô ( Phú Yên) là một mốc son trong 5 bến tàu cập bến của Đường Hồ Chí Minh trên biển. Vũng Rô là bến quan trọng ở khu vực miền Trung, được Trung ương và Khu V chọn để đón các chuyến Tàu Không số tiếp tế vũ khí, hàng chi viện cho các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Đắk Lắk. Tại đây, từ tháng 11/1964 đến tháng 2/1965 đã có 4 chuyến Tàu Không số cập bến, trong đó có 3 chuyến cập bến thành công, mang khoảng 200 tấn vũ khí, hàng chi viện cho chiến trường.
Từ sự chi viện kịp thời này, ở Phú Yên đến đầu năm 1965, ta đã trang bị đủ vũ khí cho các đơn vị tập trung của tỉnh, huyện và dân quân du kích; riêng lực lượng du kích có 6.963 người được trang bị mới gần 3.000 khẩu súng các loại, tăng 2.976 người và 2.532 khẩu súng so với cuối năm 1964. Xưởng quân giới đảm bảo được nguyên vật liệu, nhất là thuốc nổ để sản xuất các loại lựu đạn, mìn, thủ pháo mang lại hiệu quả chiến đấu cao, và giành nhiều thắng lợi quyết định trên chiến trường, điển hình như chiến thắng Gò Thì Thùng năm 1966; tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; chiến thắng lịch sử Đường 5, cùng bộ đội chủ lực giải phóng tỉnh Phú Yên vào ngày 1/4/1975, góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 28/11 tỉnh Phú Yên tổ chức đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển. |
Năm 1997, Vũng Rô đã trở thành Di tích lịch sử cấp Quốc gia; đến năm 2001, Bia di tích Bến Vũng Rô đã được xây dựng; sau đó, Đài tưởng niệm Vũng Rô hoàn thành để mãi khắc ghi một sự kiện oai hùng trong lịch sử chiến tranh dân tộc.
Theo kế hoạch ngày 28/11, tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số vào Bến và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Theo Nhân Dân Diện tử
Ý kiến bạn đọc