Thi đua "nước rút, thần tốc" để hoàn thành đường dây 500KV mạch 3
Cùng với việc đóng điện trạm biến áp 500KV Thanh Hóa, trên các công trường của toàn tuyến dự án đường dây 500KV mạch 3 hoạt động thi công cũng được thực hiện đồng thời.
Đóng điện trạm biến áp 500KV Thanh Hóa
Cuối tuần qua, trong chuyến kiểm tra thi công dự án đường dây 500KV mạch 3 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu mở đợt thi đua cao điểm đặc biệt, nước rút, thần tốc để phấn đấu cơ bản trong tháng 6 phải xong các công việc dựng cột, kéo dây, thử nghiệm. Trong tháng 7 tiến hành vận hành kỹ thuật, nghiệm thu, hoàn nguyên môi trường và khánh thành dự án.
Để đạt được mục tiêu này, Tập đoàn điện lực Việt Nam dồn lực dựng cột, kéo dây, vận hành các trạm biến áp. Các địa phương phối hợp bàn giao hành lang tuyến, huy động các lực lượng hỗ trợ; rà soát, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã nhường mặt bằng cho dự án. Các bộ, ngành rà soát, xử lý các vấn đề vướng mức theo thẩm quyền.
Thực hiện đợt thi đua này, chiều tối 28/6, Tổng công ty truyền tải điện Việt Nam đã triển khai đóng điện trạm biến áp 500KV Thanh Hóa để phục vụ việc truyền tải điện của đường dây 500 KV mạch 3 từ Quảng Trạch, Quảng Bình tới Phố Nối, Hưng Yên.
Cụ thể, vào lúc 17h42 chiều 28/6 trạm biến áp 500KV Thanh Hoá đã đóng điện thành công vào đường dây đấu nối. Việc đóng điện thành công trạm biến áp 500 KV Thanh Hoá đã góp phần đẩy nhanh tiến độ của dự án 500KV mạch 3 từ Quảng Trạch, Quảng Bình đến Phố Nối, Hưng Yên.
Trạm biến áp 500KV Thanh Hoá đã đạt tốc độ thi công kỷ lục về thi công. Bởi đối với một trạm biến áp 500KV thì thường thời gian thi công phải là 1 năm, nhưng trạm biến áp 500KV Thanh Hoá đã hoàn thành chỉ mất 5 tháng 10 ngày. Để đạt được tốc độ này, là sự quyết tâm cũng như áp dụng các giải pháp, công nghệ mới của đơn vị thi công.
Ông Nguyễn Tuấn Việt - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần điện lực Licogi 16, Đơn vị thi công TBA 500KV Thanh Hoá cho biết: "Chúng tôi sử dụng các sản phẩm như bê tông đúc sẵn, những hạng mục nào cần làm đúc trước thì chúng tôi sẽ đổ trước, không đợi đến san lấp. Ví dụ như các hạng mục về bê tông thì với các cấu kiện bê tông thì chúng tôi đúc sẵn trước, không ảnh hưởng đến tiến độ. Các anh truyền tải cũng hỗ trợ nhà thầu chúng tôi treo sứ, treo dây cùng với nhà thầu".
Lãnh đạo EVNNPT và các đơn vị liên quan chứng kiến thời khắc đóng điện dự án Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa và đường dây đấu nối - Ảnh:VGP/ Toàn Thắng |
Trạm biến áp 500KV Thanh Hóa sau khi được đóng điện thành công sẽ có nhiệm vụ tăng cường cung cấp điện cho phụ tải tỉnh Thanh Hóa và Bắc Trung Bộ. Đồng thời, tiêu thụ công suất phát khu vực Bắc Trung Bộ vào hệ thống điện quốc gia thông qua lưới điện đồng bộ 220KV, 500KV. Góp phần tăng khả năng cung cấp điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương trong khu vực.
"Khi trạm 500KV này hoàn thành tạo động lực cho chúng tôi tiếp tục hoàn thành các dự án của đường dây 500KV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối. Cũng như là khi đường dây 500KV từ Quảng Trạch đến Phố Nối đi vào vận hành có trạm 500KV Thanh Hoá thì việc vận hành an toàn, ổn định của đoạn đường dây 500KV Quảng Trạch - Phố Nối sẽ tốt hơn", ông Phạm Lê Phú - Tổng Giám đốc Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia cho hay.
Trạm biến áp 500KV Thanh Hoá có quy mô xây dựng mới gồm 3 máy biến áp 500KV, 220KV và 35KV với công suất mỗi máy biến áp là 600MVA. Giai đoạn hiện tại lắp đặt 2 máy biến áp 600MVA.
Rút ngắn thời gian thi công cột thép vượt sông dự án 500KV mạch 3
Cùng với việc đóng điện trạm biến áp 500KV Thanh Hóa, trong những ngày vừa qua trên các công trường của toàn tuyến dự án đường dây 500KV mạch 3 các hoạt động thi công dựng cột, kéo dây cũng đang được các đơn vị thực hiện đồng thời.
Trên toàn dự án có 1.177 vị trí móng cột hiện đang dần được hình thành. Đến thời điểm này, trên toàn tuyến các đơn vị đã hoàn thành lắp dựng 752 cột, đang lắp 390 cột. Trong đó có một vài khu vực do đặc thù địa lý là nằm hai bên bờ sông nên ngành điện đã phải thực hiện sử dụng các cột vượt sông. Loại cột này có cả kiểu dáng, kích cỡ khác hẳn với cột thông thường và đặc biệt là chiều cao lên tới 145m, cao nhất trong tất cả các cột trên toàn tuyến. Tuy vậy, để đảm bảo tiến độ đề ra, chủ đầu tư và các đơn vị đã đưa ra nhiều giải pháp để rút ngắn thời gian thi công.
Theo ghi nhận tại vị trí cột số 119 của đoạn đường dây 500KV mạch 3, đoạn từ nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 đi Phố Nối, Hưng Yên. Đây là một trong những cột cao nhất của toàn dự án 500KV mạch 3 với chiều cao 145m và lần đầu tiên được sử dụng ống tròn trong thi công lắp đặt cột điện cao thế. Chủ đầu tư và đơn vị thi công đã đưa ra nhiều giải pháp về công nghệ, kỹ thuật về những giải pháp mới trong quá trình thi công. Đảm bảo tiến độ thi công 1 cột là dưới 40 ngày.
Đến thời điểm nay, sau gần 1 tháng thi công, chiều cao cột 119 đã đạt được hơn 130m. Những ngày qua, mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng đơn vị thi công vẫn đưa ra các giải pháp để đảm bảo khoảng 10 ngày nữa sẽ hoàn thành việc lắp cột.
Anh Chúc Văn Tuân - Đội trưởng Đội thi công cột số 119, Công ty Cổ phần Sông Đà 11 nói: "Đẩy nhanh tiến độ thì sử dụng bằng cẩu nhưng đôi lúc cẩu không hết tầm thì đến đoạn trên sẽ sử dụng cẩu tay, mình sẽ dùng bằng tó, lên bằng tó để lên xà".
Trên đoạn tuyến nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 đi Phố Nối, Hưng Yên có 4 vị trí vượt sông được lắp đặt cột ống tròn với chiều cao 145m. Việc thay đổi từ cột thép chữ V sang cột tròn đã góp phần giảm trọng lượng cột khoảng 150 tấn nhưng vẫn đảm bảo được độ an toàn sau khi đưa vào sử dụng.
Để rút ngắn thời gian thi công, các phương tiện máy móc lần đầu được sử dụng như cần cẩu 600 tấn, lắp đặt thêm cần bích dựng trụ để hỗ trợ quá trình lắp dựng.
Ông Vũ Xuân Lưu - Phó Giám đốc Chi nhánh miền Nam Cty Cổ phần Sông Đà 11 cho biết: "Anh em cũng phải phát minh ra để làm cái ghế để đứng, thắt dây an toàn vào để thao tác hai tay cho tốt hơn. Cùng một chiều cao tương tự, bên đơn vị đã thi công một vị trí vượt qua sông Hậu mất 3 tháng. Nhưng biện pháp dùng cẩu kết hợp với công nhân chỉ mất khoảng 1 tháng đến 35 ngày".
"Đơn vị thi công ngoài việc tập trung máy móc đưa những cần cẩu có trọng tải 600 tấn lên để đẩy nhanh công tác dựng cột họ còn tận dụng thời gian. Khi mưa thì bắt buộc phải nghỉ nhưng khi trời nắng họ tập trung lực lượng và có thể cố gắng làm thời gian ngoài giờ, làm muộn hơn để đẩy nhanh tiến độ thi công", ông Phùng Bảo Anh - Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Các công trình điện miền Bắc, Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia cho hay.
Trên toàn tuyến Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 đi Phố Nối có 334 vị trí lắp cột, đến nay đã hoàn thành 70% việc lắp đặt các cột. Dự kiến đến trong tháng 7 sẽ hoàn thành việc thi công lắp dựng cột cũng như triển khai việc kéo dây để sớm hoàn thành việc truyền tải điện từ Quảng Trạch, Quảng Bình đến Phố Nối, Hưng Yên.
Theo kế hoạch dự kiến vào ngày 30/6, dự án đường dây 500KV Nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa sẽ hoàn thành đóng điện. Dự án này có chiều dài khoảng 74,4 km với 180 vị trí móng cột đi qua địa bàn các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ giúp giảm tải và tránh quá tải cho các đường dây 500KV hiện hữu, đặc biệt khi công suất truyền tải cao theo giao diện Bắc - Trung ở thời điểm các nhà máy thủy điện miền Bắc phát thấp. Đây là dấu mốc và động lực quan trọng để các lực lượng thi công phấn đấu hơn nữa, hoàn thành các đoạn tuyến còn lại và toàn bộ dự án thời gian sớm nhất.
Theo VTV.vn
Ý kiến bạn đọc