Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm các nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội

16:33, 26/08/2024

Chiều 26/8, Quốc hội thông qua nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm Phó thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026 với các ông Nguyễn Hòa Bình, Hồ Đức Phớc và Bùi Thanh Sơn.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc tiếp tục làm Bộ trưởng Tài chính, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao, cho đến khi kiện toàn chức danh Bộ trưởng ở hai Bộ.

Ba tân Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, Nguyễn Hòa Bình, Bùi Thanh Sơn (từ trái qua).
Ba tân Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, Nguyễn Hòa Bình, Bùi Thanh Sơn (từ trái qua).

Sau kiện toàn, lãnh đạo Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 có Thủ tướng Phạm Minh Chính và 5 Phó thủ tướng, gồm các ông Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc và Bùi Thanh Sơn.

Ông Nguyễn Hòa Bình 66 tuổi, phó giáo sư, tiến sĩ Luật, quê tỉnh Quảng Ngãi. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, 12, 13; đại biểu Quốc hội khóa 13, 14, 15.

Ông Nguyễn Hòa Bình từng giữ nhiều cương vị trong ngành công an, như Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, Bộ Công an. Ông sau đó làm Phó bí thư, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Tháng 8/2011, ông làm Viện trưởng VKSND Tối cao và giữ cương vị này gần 4 năm trước khi được Quốc hội bầu giữ chức vụ Chánh án TAND Tối cao vào tháng 4/2016.

Ông Hồ Đức Phớc 61 tuổi, quê tỉnh Nghệ An, tiến sĩ Kinh tế. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12, 13; đại biểu Quốc hội khóa 14, 15.

Ông Hồ Đức Phớc có thời gian dài công tác tại tỉnh Nghệ An, từng giữ chức Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò; Phó chủ tịch rồi Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.

Tháng 3/2013, ông làm Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An. Ba năm sau, ông giữ cương vị Tổng Kiểm toán nhà nước. Từ tháng 4/2021, ông Phớc giữ chức Bộ trưởng Tài chính.

Ông Bùi Thanh Sơn 62 tuổi, quê TP Hà Nội, thạc sĩ Quan hệ quốc tế. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12, 13; Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh; đại biểu Quốc hội khóa 14, 15.

Ông Bùi Thanh Sơn từng giữ nhiều chức vụ tại các cơ quan của Bộ Ngoại giao, như Phó vụ trưởng, Phó giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế; Vụ trưởng Chính sách đối ngoại, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao.

Đến tháng 1/2016, ông được phân công làm Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao và giữ cương vị này gần 5 năm trước khi trở thành Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng 4/2021.

Trước đó, Quốc hội miễn nhiệm bốn cán bộ cấp cao để nhận nhiệm vụ mới, đó là: Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long để nhận nhiệm vụ mới. Các nghị quyết miễn nhiệm được Quốc hội thông qua chiều 26/8.

Quốc hội cũng thông qua nghị quyết bầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí giữ cương vị Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao.

Sau khi được Quốc hội bầu giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mời tân Chánh án Lê Minh Trí lên tuyên thệ.

Tân Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí tuyên thệ
Tân Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí tuyên thệ

"Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó", ông Lê Minh Trí nói.

Ông Trí kế nhiệm Chánh án Nguyễn Hòa Bình, vừa được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Phó thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông Lê Minh Trí 64 tuổi, quê TP HCM, là cử nhân Luật, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12, 13; đại biểu Quốc hội khóa 14, 15.

Ông từng làm Phó phòng tham mưu an ninh Công an TP HCM, thư ký Thứ trưởng Nội vụ (nay là Bộ Công an). Khi đang là trung tá an ninh, ông được biệt phái làm thư ký Chủ tịch UBND TP HCM rồi làm Phó chánh văn phòng HĐND, UBND TP HCM.

Ông Trí sau đó giữ cương vị Phó bí thư quận ủy, Chủ tịch UBND quận 11, Chủ tịch UBND quận 1, Phó chủ tịch UBND TP HCM rồi Phó ban Nội chính Trung ương. Từ tháng 4/2016 đến nay, ông Trí làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Theo Luật Tòa án nhân dân, Chánh án TAND Tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước. Nhiệm kỳ của Chánh án TAND Tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội.

Chánh án TAND Tối cao có nhiệm vụ tổ chức công tác xét xử của TAND Tối cao; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Chánh án làm chủ tọa phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao; trình Chủ tịch nước ý kiến của mình về trường hợp người bị kết án xin ân giảm án tử hình.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp bất thường lần thứ Tám, Quốc hội Khóa XV
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp bất thường lần thứ Tám, Quốc hội Khóa XV

Chiều ngày 26/8, tại Kỳ họp bất thường thứ 8, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Huy Tiến.

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Tân Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến
Tân Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến

Ông Nguyễn Huy Tiến 56 tuổi, có sự nghiệp gắn liền với ngành kiểm sát. Năm 2013, khi đang là Viện trưởng thực hành công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm 1 tại Hà Nội, ông được bổ nhiệm giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình. Hai năm sau, ông làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Từ tháng 4/2017, ông Tiến được bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ, thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (vụ 5). Từ tháng 9/2018 đến nay, ông giữ cương vị Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Ông cũng là Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn điều tra viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Ông Nguyễn Hải Ninh. Ảnh: Quốc hội
Ông Nguyễn Hải Ninh. Ảnh: Quốc hội

Trong chiều 26/8, Quốc hội thông qua nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm Bí thư Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh làm Bộ trưởng Tư pháp; Bí thư Yên Bái Đỗ Đức Duy làm Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường.

Lãnh đạo hai Bộ được kiện toàn do Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã được phê chuẩn bổ nhiệm Phó thủ tướng; Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh được miễn nhiệm, nghỉ công tác.

Ông Nguyễn Hải Ninh 48 tuổi, quê huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, là tiến sĩ Luật, cử nhân Hành chính, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 (dự khuyết), 13.

Trước năm 2006, ông Ninh từng làm Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật, Ban Nội chính Trung ương, sau đó chuyển sang làm Vụ phó Pháp luật và Cải cách tư pháp, Văn phòng Trung ương Đảng. Ông sau đó giữ cương vị Vụ trưởng, thư ký của Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, rồi được luân chuyển vào tỉnh Đăk Lăk giữ cương vị Phó chủ tịch UBND tỉnh.

Tháng 3/2019, ông quay về Trung ương làm Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Từ tháng 4/2021 đến nay, ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa.

Ông Đỗ Đức Duy.
Ông Đỗ Đức Duy.

Ông Đỗ Đức Duy 54 tuổi, quê huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, là thạc sĩ Xây dựng. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, đại biểu Quốc hội khóa 15.

Ông Duy từng là kỹ sư thiết kế kết cấu công trình, giảng viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ông sau đó chuyển sang công tác tại Bộ Xây dựng, làm chuyên viên, Vụ phó Tổ chức cán bộ, Chánh văn phòng Bộ, Thứ trưởng Xây dựng từ năm 2015 đến 2017.

Từ năm 2017 đến 2020, ông là Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, từ 2020 đến nay giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.

Đ.T (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quốc hội xem xét, quyết định công tác nhân sự tại Kỳ họp bất thường lần thứ 8
Sáng 26/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 8 để xem xét, quyết định về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
26/08/2024
Thủ tướng: Đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thực hiện mạnh mẽ hơn các đột phá chiến lược
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm lấy phát triển, đột phá để ổn định và lấy ổn định làm tiền đề cho phát triển, thúc đẩy quá trình đổi mới; đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thực hiện mạnh mẽ hơn các đột phá chiến lược để huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
24/08/2024
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Chúng ta có quyền tự hào về thành quả của 40 năm đổi mới
Sáng 22/8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết 40 năm Đổi mới chủ trì phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo Tổng kết.
22/08/2024
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam và Trung Quốc chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước
Trưa 19/8, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước.
19/08/2024