Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn ĐBQH với Thường trực HĐND tỉnh
BHG - Chiều 5.7, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang và Thường trực HĐND tỉnh tổ chức ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh với Thường trực HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng chủ trì buổi ký kết. Cùng dự có các đồng chí: Vàng Seo Cón, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh; Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các ông, bà ĐBQH hiện đang công tác trên địa bàn thành phố và lãnh đạo các phòng, ban HĐND tỉnh…
Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn ĐBQH với Thường trực HĐND tỉnh
Toàn cảnh buổi ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh với Thường trực HĐND tỉnh |
Theo nội dung buổi ký kết, Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn ĐBQH tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, nhiệm kỳ 2021 – 2026 gồm 4 chương, 12 điều quy định về nguyên tắc, nội dung, phương thức và trách nhiệm phối hợp công tác trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của 2 cơ quan theo quy định của pháp luật. Trong đó, nội dung phối hợp tập trung vào một số vấn đề như: Góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN trên địa bàn tỉnh. Trên nguyên tắc phối hợp tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy trong phạm vi phối hợp hoạt động. Phối hợp công tác giữa Đoàn ĐBQH tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh dựa trên nguyên tắc đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành thống nhất; chủ động, thường xuyên, kịp thời, bảo đảm yêu cầu chất lượng, tiến độ công việc. Tạo điều kiện cho mỗi cơ quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định. Theo hình thức phối hợp trao đổi ý kiến, cung cấp thông tin bằng văn bản. Mời dự các kỳ họp, phiên họp, hội nghị, hội thảo của hai cơ quan. Tổ chức các đoàn giám sát hoặc khảo sát; tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và các đoàn công tác đi học tập, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động dân cử. Các hình thức phối hợp khác trên cơ sở thống nhất giữa Đoàn ĐBQH tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi ký kết. |
Phát biểu tại buổi ký kết, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn nhấn mạnh: Qua các ý kiến thảo luận, Văn phòng tổng hợp, tiếp thu tối đa, đầy đủ các ý kiến đã thảo luận tại buổi làm việc để xây dựng, hoàn thiện quy chế. Trong quá trình triển khai thực hiện, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tham gia bằng văn bản và trực tiếp tham gia ý kiến với Đoàn ĐBQH trong các vấn đề, lĩnh vực, nhất là vấn đề về cơ chế chính sách, thi đua khen thưởng. Đặc biệt là những vấn đề kết luận sau giám sát của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Chúng Thị Chiên phát biểu tại buổi ký kết. |
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Vịnh thông qua báo cáo của HĐND tỉnh tại buổi ký kết. |
Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách Lý Thị Lan thông qua báo cáo của Đoàn ĐBQH tỉnh tại buổi ký kết. |
Các đại biểu tham dự buổi ký kết chứng kiến ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh với Thường trực HĐND tỉnh |
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh đề nghị các đơn vị, nhất là Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cần thực hiện tốt việc phối hợp trong công tác xây dựng pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật; cần thay đổi phương thức tiếp xúc cử tri, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xem xét việc tương tác giữa người dân và ĐBQH tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh; xem xét thực hiện tốt việc lấy ý kiến phản biện của nhân dân đối với một số dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác phối hợp tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân; vận động nhân dân thực hiện quyền giám sát và tham gia vào các hoạt động quản lý Nhà nước. Đồng thời, cũng phải lắng nghe, kiểm tra sâu sát các chương trình, nội dung đã, đang triển khai tại cơ sở nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cũng nhưng biểu dương kịp thời những cách làm hay, mới, mang tính hiệu quả cao. Trong kỳ họp HĐND cần khoa học hơn, nhất là trong việc trình bày báo cáo, tờ trình ngắn gọn, xúc tích, dành nhiều thời gian cho thảo luận nhằm phát huy tối đa trí tuệ của tập thể, của từng cá nhân đại biểu trong kỳ họp để kỳ họp thực sự phát huy hiệu quả…
Tin, ảnh: Phi Anh
Ý kiến bạn đọc