Tạo động lực giúp các dân tộc thiểu số khó khăn đặc thù phát triển

14:43, 15/10/2024

BHG - Tỉnh ta có 5/14 dân tộc có khó khăn đặc thù gồm: Pu Péo, Lô Lô, Cờ Lao, Pà Thẻn, Bố Y. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, sinh kế, bảo tồn văn hóa truyền thống, giảm thiểu tảo hôn, tạo động lực giúp các dân tộc thiểu số phát triển.

Các DTTS rất ít người chủ yếu cư trú tập trung tại những địa bàn đặc biệt khó khăn, khó tiếp cận các nguồn lực đầu tư, dịch vụ xã hội cơ bản và cơ hội phát triển khi tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 1,5 - 3 lần so với các nhóm dân tộc khác, thu nhập bình quân đầu người thấp, số người không biết đọc, biết viết, tái mù chữ cao, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra. Để giải quyết những vấn đề cấp bách đối với đồng bào DTTS rất ít người với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách phát triển dân tộc. Trong số 10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS&MN, có một dự án được thiết kế dành riêng cho các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù là Dự án 9, gồm Tiểu dự án 1: Đầu tư phát triển KT - XH nhóm DTTS rất ít người, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù và Tiểu dự án 2: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc còn gặp khó khăn và có khó khăn đặc thù.

Đồng bào dân tộc Pà Thẻn, thôn My Bắc, xã Tân Bắc (Quang Bình) giữ gìn nghề dệt truyền thống.
Đồng bào dân tộc Pà Thẻn, thôn My Bắc, xã Tân Bắc (Quang Bình) giữ gìn nghề dệt truyền thống.

Theo đó, đối với các thôn tập trung đông đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù, có tỷ lệ hộ nghèo cao được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng như: Đường giao thông, điện sản xuất, sinh hoạt, thủy lợi, công trình chống sạt lở, các công trình về văn hóa, giáo dục. Các hộ DTTS có khó khăn đặc thù được hỗ trợ giống, chuồng trại, vật tư nông nghiệp, vắc-xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm; tập huấn nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất, tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm cho cộng đồng; xây dựng mô hình, tổ hợp tác liên kết theo chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm và các hoạt động phát triển sản xuất khác do cộng đồng đề xuất; được tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; khám, quản lý thai nghén và chăm sóc y tế đối với phụ nữ mang thai; hỗ trợ phụ nữ mang thai được tầm soát các loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến; hỗ trợ trẻ sơ sinh tầm soát các loại bệnh bẩm sinh phổ biến; điều trị, cung cấp bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Cụ thể hóa mục tiêu của chương trình, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 33 phê duyệt danh sách 48 thôn đặc biệt khó khăn của 31 xã, thị trấn trên địa bàn 9 huyện thuộc đối tượng đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 9. Giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn vốn được giao thực hiện Dự án 9 là 383.809 triệu đồng, trong đó ngân sách T.Ư 363.067 triệu đồng (vốn đầu tư 177.426 triệu đồng, vốn sự nghiệp 185.641 triệu đồng); ngân sách địa phương đối ứng 20.742 triệu đồng. Đến nay, các địa phương và ngành chức năng đã triển khai thực hiện 33 công trình lớp học, nhà lưu trú giáo viên, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình chống sạt lở; triển khai 48 mô hình sinh kế, 1.357 hoạt động hỗ trợ sản xuất cho 885 người thụ hưởng; thực hiện 7 dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, thông tin truyền thông nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào; hỗ trợ bảo vệ và phát triển các DTTS số có khó khăn đặc thù cho 12 hộ với 118 người thụ hưởng; triển khai các giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 192 xã cho trên 27.700 người thụ hưởng.

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS&MN tạo ra năng lực giúp đồng bào nhanh chóng hòa nhập với sự phát triển của xã hội và tạo cơ hội tiếp cận và thụ hưởng tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản và cơ hội phát triển kinh tế, giúp nhóm DTTS rất ít người thực hiện các quyền cơ bản, phát triển bình đẳng, đầy đủ với các dân tộc khác.

Bài, ảnh: AN GIANG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chàng trai người Mông đi đầu chuyển đổi số du lịch ở Đồng Văn
BHG - Chàng trai người Mông Sùng Mạnh Hùng là một trong những người nổi bật trong việc ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) quảng bá du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn và văn hóa, con người Hà Giang đến du khách trong, ngoài nước.
15/10/2024
Người có uy tín - cầu nối gắn kết giữa ý Đảng và lòng dân
BHG - Toàn tỉnh hiện có 2.063 người có uy tín. Đây là lực lượng quần chúng đặc biệt, cầu nối quan trọng giữa ý Đảng và lòng dân. Với vai trò, trách nhiệm, tiếng nói của mình, lớp người có uy tín đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thành công 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia và đẩy lùi các hủ tục, tập quán lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
15/10/2024
Sức bật từ triển khai đồng bộ các chính sách
BHG - Ngày 27.4.2022 Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 25 chỉ đạo triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, các địa phương chủ động bố trí đầy đủ trang thiết bị cần thiết để triển khai dự án, xây dựng chế độ chính sách phù hợp với từng địa phương. Phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp chính quyền trong quản lý, tổ chức thực hiện chương trình.
15/10/2024
Tuổi trẻ Quản Bạ kết nối quảng bá nông sản địa phương
BHG - Thời gian qua, Huyện đoàn Quản Bạ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân và thanh niên quảng bá, tiêu thụ nông sản. Những hoạt động này không chỉ khơi dậy tiềm năng phát triển hàng hóa địa phương mà còn thúc đẩy liên kết, xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư vùng.
14/10/2024