Đồng lòng đẩy lùi hủ tục
BHG - Với việc chủ động rà soát và cụ thể hóa chính sách hỗ trợ gắn với tuyên truyền xóa bỏ hủ tục; động viên, khen thưởng gia đình, dòng họ có cách làm hay, hiệu quả; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU đã tạo sự đồng lòng trong nhân dân quyết tâm đẩy lùi hủ tục.
Với đặc thù tỉnh miền núi, có 19 dân tộc cùng sinh sống, tỉnh ta đã và đang lưu giữ nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp trở thành di sản văn hóa cấp quốc gia. Tuy nhiên, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS), nơi vùng sâu, vùng xa vẫn còn không ít hủ tục đã “bám rễ” trong đời sống văn hóa của người dân. Như tập tục tang ma chưa đưa người chết vào áo quan, giết mổ nhiều gia súc, tổ chức đám tang dài ngày; tình trạng thách cưới cao; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra; một số lễ nghi trong cúng bái còn rườm rà và gây lãng phí, tốn kém, ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe người dân. Một số phong tục truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS có nơi bị lợi dụng, biến tướng, như tục kéo vợ của dân tộc Mông đã gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; nhiều giá trị văn hóa có kết quả nghiên cứu nhưng chưa được đưa vào sử dụng; tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hóa đặc trưng của một số DTTS có nguy cơ bị mai một.
Phụ nữ xã Lũng Pù (Mèo Vạc) trong trang phục truyền thống. |
Cụ thể hóa Chỉ thị số 09-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025 và Nghị quyết số 27-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh giai đoạn 2022 – 2025. UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, quyết định cụ thể, phù hợp với thực tiễn, nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành và mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng thuận trong nhân dân. Với các giải pháp tuyên truyền linh hoạt, hiệu quả đã đưa các chỉ thị và nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, tác động mạnh mẽ về nhận thức của nhân dân đối với công tác ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh phù hợp với điều kiện phát triển KT – XH và thực tế mỗi địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trần Đức Quý cho biết: Nhằm tạo đồng thuận đẩy lùi hủ tục, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang và UBND các cấp, nhất là cấp cơ sở bám sát nhiệm vụ, giải pháp đã được xây dựng để triển khai đến 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các hộ dân ký cam kết thực hiện bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, linh hoạt, kịp thời lồng ghép các nội dung bài trừ hủ tục vào công tác chuyên môn; ban hành các chương trình hành động, kế hoạch, văn bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở với nhiều hình thức phong phú. Từ đó, làm chuyển biến cơ bản nhận thức của nhân dân, mọi người ý thức hơn và tích cực triển khai thực hiện hiệu quả công tác xóa bỏ hủ tục, như: Tổ chức các cuộc thi, liên hoan tuyên truyền về “Xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu và xây dựng nếp sống văn minh”; tổ chức cho các dòng họ ký cam kết xóa bỏ hủ tục; dòng họ tự quản về an ninh trật tự; dòng họ an toàn, đoàn kết, văn hóa; dòng họ thực hiện đưa người chết vào áo quan trước khi cử hành tang lễ; câu lạc bộ “3 không” - không ăn, ở mất vệ sinh; không vi phạm chính sách dân số; không mê tín dị đoan…
Lãnh đạo huyện Mèo Vạc tuyên truyền người dân xóa bỏ hủ tục. |
Để công tác bài trừ hủ tục lan tỏa rộng rãi trong nhân dân, các đơn vị, địa phương trong tỉnh kịp thời biểu dương, khen thưởng các gương tập thể, cá nhân điển hình, có nhiều thành tích trong công tác tuyên truyền, vận động và bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Cấp ủy, chính quyền các địa phương xử lý vi phạm theo quy định, nhất là các trường hợp tảo hôn, sinh con thứ ba. Các trường hợp vi phạm không phải là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức đã được tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở, đồng thời khuyến khích, vận động người dân tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế để chăm lo cuộc sống gia đình.
Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Nguyễn Huy Sắc cho biết: Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng trên địa bàn huyện cũng đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc như một số nơi chưa phát huy hiệu quả vai trò đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS, hội nghệ nhân dân gian trong công tác tuyên truyền, vận động; việc bổ sung, sửa đổi quy ước, hương ước để điều chỉnh một số phong tục, tập tục lạc hậu còn chậm. Vẫn còn số ít tập quán lạc hậu, nhất là trong hôn nhân, tang ma, sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt gia đình; vẫn có tình trạng tảo hôn, nhất là trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa; một số hộ chưa chấp hành các quy định trong hương ước, quy ước của các thôn, tổ dân phố trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu.
Tháo gỡ vướng mắc, tỉnh ta tập trung đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Duy trì hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp về thực hiện xoá bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong việc phát huy vai trò, hiệu quả thực hiện công tác dân vận. Nâng cao chất lượng hoạt động các tổ dân vận thôn, tổ dân phố; phối hợp nắm chắc tình hình, tư tưởng, nguyện vọng của nhân dân, tuyên truyền vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục; duy trì và thực hiện tốt các mô hình, điển hình “dân vận khéo”. Chủ động nắm chắc tình hình địa phương; nắm cụ thể từng hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào các dân tộc trên địa bàn để có giải pháp vận động nhân dân. Xây dựng chính sách hỗ trợ các hội nghệ nhân dân gian, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc