Bộ đội tên lửa ''vít cổ'' B-52 ra sao?
1. Đến tháng 10-1972, tài liệu “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa” chính thức được Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân thông qua, giúp cán bộ, chiến sĩ tin tưởng vào khí tài, cách đánh và khả năng bắn rơi tại chỗ B-52.
Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 trong sự kiện lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Ảnh tư liệu. |
Từ sự phân tích đặc điểm hoạt động của B-52 và những nguyên nhân chưa bắn rơi được B-52 rơi tại chỗ, hội nghị khoa học tháng 10-1972 đã khẳng định: Để đánh được B-52 rơi tại chỗ phải tổ chức đánh tập trung, đánh liên tục từ xa đến gần, phá vỡ đội hình của địch từ bên ngoài, tạo điều kiện đánh bên sườn, linh hoạt sử dụng và chuyển phương pháp điều khiển tên lửa. Sau hội nghị, Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức một số kíp trắc thủ vào Trung đoàn 263 ở Nghệ An nghiên cứu thực nghiệm. Đêm 22-11-1972 tại khu vực Nghệ An, hai Tiểu đoàn 43, 44 (Trung đoàn 263) đã hiệp đồng bắn rơi B-52 trong điều kiện nhiễu phức tạp. Đây là chiến công có ý nghĩa quan trọng, không những về công tác nghiên cứu khoa học quân sự mà còn củng cố lòng tin và bổ sung những kinh nghiệm, hoàn thiện tài liệu “Cách đánh B-52”.
Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu đã chủ động phối hợp với chính quyền các tỉnh, thành phố và chỉ đạo các quân khu tổ chức xây dựng lực lượng, xây dựng thế trận phòng không nhân dân trên những địa bàn trọng điểm, nhất là ở Thủ đô Hà Nội. Ngày 24-11-1972, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã ký phê chuẩn “Kế hoạch Chiến dịch phòng không đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng”.
Sát cánh cùng các đơn vị và các cán bộ nghiên cứu cách đánh B-52 là các kỹ sư, nhà khoa học Việt Nam và Liên Xô. Ngoài nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí khí tài, họ ra sức nghiên cứu cải tiến kỹ thuật để nâng cao khả năng, hiệu quả tiêu diệt máy bay địch.
2. Căn cứ kế hoạch tác chiến, Quân chủng Phòng không - Không quân, các quân khu, chính quyền và nhân dân trên các địa bàn trọng điểm đã khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Một trong những yêu cầu quan trọng là phải bắn rơi tại chỗ B-52, bắt sống giặc lái.
Quân chủng đã quyết định cơ động toàn bộ lực lượng tên lửa vào vòng trong và tên lửa chỉ sử dụng để đánh B-52 bảo vệ Hà Nội. Việc đánh B-52 từ xa giao cho không quân đảm nhiệm. Đây là phương pháp bố trí, sử dụng lực lượng rất khoa học.
Sau giai đoạn 1 (từ ngày 18-12-1972) bị tổn thất nặng nề về máy bay B-52 và giặc lái đã buộc Mỹ phải tìm thủ đoạn đánh phá mới. Từ đêm 22-12-1972, địch ngừng đánh phá Hà Nội. Mỗi đêm chúng sử dụng khoảng 30 lần chiếc B-52 đánh ở vòng ngoài tại Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn và các vùng phụ cận Hà Nội; còn ban ngày sử dụng máy bay chiến thuật lùng sục đánh phá các trận địa tên lửa. Bộ Tư lệnh Quân chủng nhận định: Sở dĩ B-52 đánh giãn ra vòng ngoài là nhằm tránh tổn thất, trấn an tinh thần giặc lái và kéo tên lửa của ta ra xa rồi bất ngờ sử dụng lực lượng lớn B-52 đánh trở lại Hà Nội.
Đúng như dự đoán, suốt ngày 26-12-1972, địch tập trung không quân chiến thuật vào tìm đánh các trận địa tên lửa để chuẩn bị cho B-52 đánh phá Hà Nội. Từ 19h cùng ngày, hoạt động của máy bay gây nhiễu điện tử từ xa EB-66, EC-121 đã tăng gần gấp đôi, kết hợp với gây nhiễu từ hạm tàu, báo hiệu đợt tập kích lớn của B-52 địch sắp diễn ra ác liệt.
Từ 21h49 đến 23h12 ngày 26-12-1972, địch đã sử dụng tới 105 lần chiếc B-52, 110 lần chiếc máy bay chiến thuật tổ chức đánh dồn dập đồng thời vào cả ba khu vực mục tiêu Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Tại Hà Nội, địch đã sử dụng 66 lần chiếc B-52 và 70 lần chiếc máy bay chiến thuật tiến công. Nhờ phán đoán đúng các thủ đoạn và đường bay của địch, ta đã bắn rơi 8 B-52 và 10 máy bay chiến thuật. Riêng bộ đội tên lửa bắn rơi 6 B-52, trong đó có 4 chiếc rơi tại chỗ và là trận then chốt quyết định của chiến dịch.
Đêm 27-12-1972, bộ đội tên lửa lại bắn rơi thêm 4 B-52. Đặc biệt, Tiểu đoàn 72 (Trung đoàn 285) bắn rơi tại chỗ 1 B-52 xuống làng Ngọc Hà (Hà Nội) và là chiếc B-52 duy nhất chưa cắt bom bị bắn hạ.
Thắng lợi của đêm 26 và 27-12-1972 đã làm suy sụp tinh thần của chính quyền Mỹ. Ngày 28-12-1972, Tổng thống Mỹ R.Nixon đã xin được nối lại Hội nghị Paris. Đêm 28 và 29-12-1972, địch chỉ sử dụng khoảng 30 lần chiếc đánh ở ngoại thành và các mục tiêu xa Hà Nội. Không quân ta cất cánh bắn rơi 1 chiếc B-52 và Tiểu đoàn 79 (Trung đoàn 257) bắn rơi chiếc B-52 cuối cùng của cuộc tập kích đường không vào đêm 29-12-1972.
Như vậy, trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, ta đã “vít cổ” 81 máy bay Mỹ các loại, bắt sống và diệt nhiều giặc lái, buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và chịu thất bại hoàn toàn.
Theo hanoimoi.vn
Ý kiến bạn đọc