Xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp làm thất thoát vốn Nhà nước

18:31, 31/10/2022

BHG - Chiều 31.10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021. Đại biểu Phạm Thúy Chinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với cán bộ quản lý, nhất là người đứng đầu ở các doanh nghiệp (DN) làm ăn không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ, làm thất thoát vốn Nhà nước. Báo Hà Giang điện tử đăng toàn văn bài phát biểu của đại biểu Phạm Thúy Chinh.

Đoàn ĐBQH Hà Giang tham dự chương trình thảo luận ngày 31.10 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh CTV
Đoàn ĐBQH Hà Giang tham dự chương trình thảo luận ngày 31.10 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh CTV

Kính thưa Quốc hội

Trước hết tôi đánh giá cao kết quả giám sát chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKC, CLP), Báo cáo giám sát là kết quả của sự nỗ lực đầy trách nhiệm của các thành viên tham gia Đoàn giám sát trước một chuyên đề rộng, mang tính thời sự được nhân dân, cử tri quan tâm và tôi xin có một số ý kiến về lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Đến hết năm 2021, cả nước có 826 DN. Các DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, giữ vai trò chủ chốt trong các lĩnh vực sản xuất mà DNNN tham gia; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; dẫn dắt trong chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số; cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu. Với tổng vốn Nhà nước đầu tư trên 1,6 triệu tỷ đã tạo nguồn lực rất lớn cho các DNNN. Chỉ tính riêng các DN 100% vốn Nhà nước, dù chỉ chiếm tỉ lệ 0,08% nhưng nắm giữ nguồn lực khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ DN trong nền kinh tế. Và mặc dù có nhiều thuận lợi về nguồn lực từ Nhà nước nhưng việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại các DN giai đoạn 2016 - 2021 chưa hiệu quả, còn lãng phí. Tôi xin nêu 3 điểm sau:

Đại biểu Phạm Thúy Chinh thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh CTV
Đại biểu Phạm Thúy Chinh thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh CTV

Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng bình quân của DNNN công ty mẹ chưa bảo toàn được vốn chủ sở hữu. Nhiều DN 100% vốn điều lệ thuộc bộ, ngành, UBND cấp tỉnh có tỷ suất lãi phát sinh trước thuế trên vốn chủ sở hữu và trên tổng tài sản đạt thấp, chỉ khoảng từ 1- 5%, dưới mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân; khoảng 21% DN có lỗ lũy kế và lỗ trong nhiều năm liên tiếp. Một số DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống sau khi chuyển đổi không bảo toàn vốn chủ sở hữu; 30% DN có số lỗ lũy kế cả giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt 3%, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đạt 1%; trong số tập đoàn, tổng công ty có khoảng 12% công ty mẹ chưa bảo toàn được vốn chủ sở hữu. Nhiều DN 100% vốn điều lệ thuộc bộ, ngành, UBND cấp tỉnh có tỷ suất lãi phát sinh trước thuế trên vốn chủ sở hữu và trên tổng tài sản đạt thấp, chỉ khoảng 1-5%, dưới mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân; khoảng 21% doanh nghiệp có lỗ lũy kế và lỗ trong nhiều năm liên tiếp. Một số DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống sau khi chuyển đổi không bảo toàn vốn chủ sở hữu; 30% DN có số lỗ lũy kế lớn.

Thứ hai, trong cổ phần hóa, một số DN sau khi chuyển đổi, cổ phần hóa hoạt động chưa hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn dược vốn chủ sở hữu. Ở lĩnh vực này, nhiều cử tri đặt câu hỏi có hay không có tình trạng DN dợi dụng cổ phần hóa để chuyển đổi đất đai? DN sau cổ phần hóa có tiếp tục thực hiện mục tiêu, phát triển ngành nghề theo phương án ban đầu hay không?

Thứ ba, kết quả, hiệu quả đầu tư vốn ra nước ngoài chưa tương xứng với nguồn lực, chưa đạt như kỳ vọng; một số dự án có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao, có nguy cơ mất vốn như các dự án thăm dò, khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản... Doanh thu, lợi nhuận giảm qua các năm; lỗ lũy kế tăng, riêng năm 2021 có 30 dự án lỗ với tổng số lỗ phát sinh tăng 42% so với năm 2020; 44 dự án có lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế trên 1,3 tỷ USD; một số dự án viễn thông có lỗ lũy kế lớn, mất quyền kiểm soát.

Kính thưa Quốc hội

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lãng phí, thất thoát vốn Nhà nước đầu tư vào DN. Trong phạm vi thời gian cho phép, tôi xin nêu nguyên nhân xuất phát từ nội tại DNNN: Trước hết, đó là việc chậm đổi mới của DN; bộ máy cồng kềnh, chi phí hành chính, chi phí trung gian lớn; chưa theo kịp và chưa thích ứng với yêu cầu và bối cảnh phát triển kinh tế thị trường. Thông tin về hoạt động không đầy đủ, khó giám sát, tạo nên dư luận thiếu tích cực về tính minh bạch của các DNNN, nhất là các DN thuộc lĩnh vực Nhà nước độc quyền hoặc do Nhà nước định giá, điều tiết, cung cấp dịch vụ thiết yếu. Cùng với đó là sự yếu kém về năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý ở một số DN; là sự buông lỏng quản lý trong tổ chức thực hiện dẫn đến lãng phí nguồn lực, thua lỗ, thất thoát vốn Nhà nước. Việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu DN yếu kém chưa kiên quyết, chưa kịp thời. Điều đáng bàn là trường hợp DNNN vi phạm đến mức xử lý trách nhiệm hình sự thì đã và đang được xử lý nghiêm minh nhưng DN làm lãng phí lớn vốn Nhà nước thì vẫn là câu chuyện đang còn bỏ ngỏ.

Để nguồn lực của Nhà nước đầu tư vào DNNN phát huy hiệu quả, chống lãng phí, thất thoát, tôi xin có 2 kiến nghị:

Một là, đề nghị Chính phủ sớm tổng kết, trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại DN. Đồng thời chỉ đạo tăng cường đổi mới quản trị trong các DNNN theo nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế. Trong đó tập trung vào việc tinh giản bộ máy quản lý DN, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ quản lý nhất là người đứng đầu ở các DN làm ăn không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ, làm thất thoát vốn Nhà nước. Đồng thời xây dựng cho được đội ngũ cán bộ quản lý phải là “tinh hoa” trong giới doanh nhân, năng động, sáng tạo, tiên phong trước mọi khó khăn, thử thách, sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hai là, đề nghị Chính phủ báo cáo với Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý DN làm lãng phí vốn Nhà nước và việc lãng phí, thất thoát tài nguyên đất đai trong quá trình cổ phần hóa.

Tôi cũng đồng thời đề nghị bổ sung 2 kiến nghị trên vào Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về THTK, CLP của Quốc hội.

Ảnh: CTV


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Truyền lửa” văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ
BHG - Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là chiến lược phát triển bền vững quốc gia. Xuất phát từ tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các yếu tố văn hóa của các dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, người có uy tín (NCUT) trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia truyền dạy văn hóa các DTTS trong trường học, giúp lưu truyền “ngọn lửa” văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.
31/10/2022
“Cầu nối” quan trọng gắn kết nhân dân
BHG - Dưới sự quan tâm, lãnh, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp, những năm qua, đội ngũ người có uy tín (NCUT) trên địa bàn tỉnh đã phát huy tinh thần trách nhiệm, bằng uy tín của mình làm “cầu nối” quan trọng đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Họ như những “cây cao” giữa đại ngàn, tỏa bóng trên miền biên giới, trở thành điểm tựa để nhân dân các dân tộc đoàn kết, vượt khó vươn lên, xây dựng vùng đất biên cương ngày càng giàu đẹp.
31/10/2022
Khẳng định vai trò trong bảo vệ biên cương Tổ quốc
BHG - Đội ngũ người có uy tín (NCUT) trong đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực biên giới được ví như “cây đại thụ” của bản làng, “cột mốc sống” nơi biên thùy. Với khả năng “nói dân tin, làm dân theo”, NCUT đã đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới nơi tuyến đầu cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc.
31/10/2022
Nét đẹp nghề dệt vải của người La Chí
BHG - Nghề trồng bông, dệt vải của người La Chí, xã Nà Khương (Quang Bình) có từ lâu đời và đã trở thành nét đẹp trong bản sắc văn hóa của dân tộc và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
30/10/2022