“Truyền lửa” văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ

09:32, 31/10/2022

BHG - Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là chiến lược phát triển bền vững quốc gia. Xuất phát từ tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các yếu tố văn hóa của các dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, người có uy tín (NCUT) trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia truyền dạy văn hóa các DTTS trong trường học, giúp lưu truyền “ngọn lửa” văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.

Học sinh Trường THCS Lê Lợi (thành phố Hà Giang) biểu diễn múa dân tộc Mông.
Học sinh Trường THCS Lê Lợi (thành phố Hà Giang) biểu diễn múa dân tộc Mông.

Hàng tuần, ông Tẩn Phổng Séng là NCUT và nghệ nhân xã Cao Mã Pờ (Quản Bạ) đến truyền dạy dân ca, dân vũ dân tộc Dao cho học sinh Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Cao Mã Pờ. Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc vào giảng dạy trong trường học”, thời gian qua, các nhà trường đã mời các nghệ nhân dân gian đến giảng dạy về văn hóa truyền thống các dân tộc cho học sinh.

Thầy Nguyễn Đình Quang, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Cao Mã Pờ cho biết: “Nhà trường có 100% học sinh là DTTS, trong đó dân tộc Dao chiếm hơn 60%, dân tộc Mông chiếm 30%... Thực hiện Đề án, hàng ngày trong các giờ giải lao giữa buổi hay hoạt động ngoại khóa, học sinh đều được trường tổ chức chơi các trò chơi dân gian như đẩy gậy, đánh yến, học múa khèn, hát các bài hát dân gian của các dân tộc ở địa phương... Bên cạnh đó, trường còn bố trí tài liệu về văn hóa truyền thống DTTS tại góc văn hóa truyền thống và Thư viện Xanh của Nhà trường để phục vụ nhu cầu tìm hiểu của học sinh. Thông qua lồng ghép, giảng dạy văn hóa truyền thống, giúp nhiều học sinh có thể trình diễn được các điệu múa, hát dân gian các dân tộc… Từ đó, giúp các em giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình, góp phần giảm tải, bài trừ hủ tục ở địa phương”.

Thông qua những tiết học văn hóa truyền thống đã giúp các học sinh thêm yêu mến văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Em Hạng Mí Mua, học sinh lớp 5, Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Cao Mã Pờ chia sẻ: “Em học khèn được 1 năm rồi, em rất vui vì được học khèn và rất thích tham gia các buổi học văn hóa truyền thống, đây là những giờ học rất nhẹ nhàng, không chỉ được vui chơi mà em và các bạn còn được hiểu biết thêm về văn hóa truyền thống các dân tộc. Ngoài giờ học, em được tham gia biểu diễn văn nghệ tại các chương trình nghệ thuật của trường, của địa phương”.

Ông Vàng Chá Thào, Chủ tịch Hội nghệ nhân dân gian xã Phố Cáo (Đồng Văn) là NCUT tại địa phương,  thường xuyên đến các trường học để dạy văn hóa truyền thống của dân tộc Mông. Bên cạnh đó, ông còn là người tiên phong trong việc tuyên truyền bài trừ hủ tục tại nơi ông sinh sống. Ông Thào chia sẻ: “Thực hiện đưa văn hóa truyền thống vào trường học, tôi được các nhà trường mời tham gia giảng dạy về văn hóa truyền thống. Đến trường học tôi kể lại cho các cháu về nguồn gốc của dân tộc Mông, sự tích về các phong tục, các bài dân ca, ca dao, tục ngữ… Có nhiều cháu tỏ ra yêu thích và phát triển được năng khiếu về múa hát. Tôi rất vui mừng vì đã góp phần giúp cho thế hệ trẻ ngày nay giữ gìn được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai hiệu quả việc đưa văn hóa truyền thống vào trường học. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của các nghệ nhân dân gian, NCUT tại địa phương vào việc truyền dạy niềm yêu thích đối với cây khèn Mông, cây đàn Tính, điệu hát Cọi, múa cấp sắc người Dao, nghề dệt lanh, nghề thêu truyền thống… Từ đó, giúp thế hệ trẻ thêm yêu văn hóa truyền thống các DTTS, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ngày càng phát triển. Đồng thời, góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng, tạo cơ hội thuận lợi để học sinh thực hiện tốt quyền, bổn phận của mình và phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức. Giáo dục học sinh thêm yêu quê hương, tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Bài, ảnh: LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khẳng định vai trò trong bảo vệ biên cương Tổ quốc
BHG - Đội ngũ người có uy tín (NCUT) trong đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực biên giới được ví như “cây đại thụ” của bản làng, “cột mốc sống” nơi biên thùy. Với khả năng “nói dân tin, làm dân theo”, NCUT đã đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới nơi tuyến đầu cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc.
31/10/2022
Nét đẹp nghề dệt vải của người La Chí
BHG - Nghề trồng bông, dệt vải của người La Chí, xã Nà Khương (Quang Bình) có từ lâu đời và đã trở thành nét đẹp trong bản sắc văn hóa của dân tộc và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
30/10/2022
Thảm kịch giẫm đạp tại lễ hội Halloween (Hàn Quốc): 151 người thiệt mạng, nhiều người tử vong tại chỗ
Vụ việc giẫm đạp tại Itaewon, Hàn Quốc xuất phát từ việc hàng nghìn người chen lấn trong con hẻm nhỏ để dự lễ Halloween sớm.
30/10/2022
Người có uy tín chung tay đẩy lùi hủ tục
BHG - Như cây Sa mộc sừng sững giữa đại ngàn, người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang phát huy tốt vai trò, uy tín trong tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.
29/10/2022