Đoàn ĐBQH Hà Giang thảo luận tại tổ về một số dự án luật và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy

20:47, 08/11/2024

BHG - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 8.11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Hóa chất (sửa đổi) và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Tham gia thảo luận, các ĐBQH khoá XV đơn vị tỉnh Hà Giang đã góp ý một số nội dung về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. 

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Thị Lan thảo luận tại tổ. Ảnh: CTV
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Thị Lan thảo luận tại tổ. Ảnh: CTV

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khoá XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho rằng: Khoản 11 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 23 Luật Quảng cáo quy định “Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 6 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 2 lần quảng cáo liên tiếp…” có thể gây ảnh hưởng tới nguồn doanh thu của các nền tảng và trang thông tin điện tử, vốn đang cung cấp rất nhiều dịch vụ và nội dung miễn phí tới người dùng.

Theo đại biểu, khoảng thời gian 6 giây là rất ngắn, không đủ để một doanh nghiệp có thể quảng cáo và đảm bảo rằng người dùng sẽ nắm được đầy đủ nội dung, thông điệp trong quảng cáo đó. Đồng thời khiến doanh thu quảng cáo trên các nền tảng, trang thông tin điện tử đó giảm. Điều này làm cho cơ hội tiếp cận dịch vụ, nội dung miễn phí của người dùng giảm đi, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định thảo luận tại tổ. Ảnh: CTV
Đại biểu Hoàng Ngọc Định thảo luận tại tổ. Ảnh: CTV

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Lý Thị Lan cho rằng quy định như trên có thể ảnh hưởng tới nguồn thu của cơ quan báo chí, vốn đang phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu từ quảng cáo để có thể tự chủ tài chính. Bởi thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về Quy hoạch phát triển báo chí toàn quốc đến năm 2025, đối với báo điện tử và tạp chí điện tử, về cơ bản cơ quan này sẽ tự cân đối tài chính. Tuy nhiên, đến nay mới có 39% cơ quan báo, tạp chí có thể tự đảm bảo chi thường xuyên. Đại biểu đề xuất cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát, đánh giá kỹ tác động của quy định trên, xem xét cho phép thị trường được tự quyết định về thời lượng quảng cáo phù hợp nhất với nhu cầu, mục đích của họ, và bỏ quy định phải cho phép người dùng có thể tắt quảng cáo trong vòng 6 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo.

Theo đại biểu, tại Khoản 11 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 23 Luật Quảng cáo quy định rằng “Sản phẩm quảng cáo phải được đặt ở vị trí theo quy định, không đặt vào trong hoặc đặt cạnh nội dung vi phạm pháp luật theo quy định pháp luật của Việt Nam; không quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam”. Yêu cầu này không đảm bảo tính thực thi của quy định, cũng như gia tăng chi phí để thực hiện quảng cáo trực tuyến, vốn rất quan trọng đối với lĩnh vực thương mại điện tử.

Đại biểu cho rằng, trong lĩnh vực thông tin trên mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang áp dụng một mô hình cơ chế quản lý tương đối hiệu quả, trong đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ thông báo nội dung vi phạm pháp luật tới các nền tảng, và các nền tảng sẽ phải gỡ bỏ nội dung đó khi nhận được văn bản yêu cầu. Đây là một cơ chế quản lý tốt, có thể được áp dụng trong trường hợp này, vừa đảm bảo tính linh hoạt cho cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp, vừa đảm bảo tính thực thi của Luật Quảng cáo về sau. Do đó, đại biểu đề xuất ban soạn thảo cần sửa đổi lại điều luật này cho phù hợp.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tại phiên họp sáng 8.11. Ảnh: CTV
Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tại phiên họp sáng 8.11. Ảnh: CTV

Tham gia ý kiến vào hồ sơ Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị Ban Soạn thảo cần xem xét các số liệu đưa ra trong dự thảo nghị quyết như: Các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy phấn đấu được phát hiện, triệt phá 100%; kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện dưới 1%/năm và tỷ lệ gia tăng người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 1%/năm; tỷ lệ xã, phường, thị trấn không có ma túy trên toàn quốc đạt trên 20%; chỉ tiêu về xác định tình trạng nghiện…

Đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng là lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc lực lượng Biên phòng cũng được bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về lĩnh vực có liên quan như lực lượng Công an Nhân dân, Cảnh sát biển, Hải quan; bổ sung đối tượng là đơn vị và cán bộ, chiến sỹ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an Nhân dân, Hải quan cũng được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại như đối với Biên phòng và Cảnh sát biển; xem xét thay thế cụm từ “chất dạng thuốc phiện” bằng “chất gây nghiện” cho đúng với thuật ngữ quy định.                                  Liên quan đến kinh phí thực hiện chương trình, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề xuất sử dụng số liệu là số chẵn, không nên sử dụng số liệu tuyệt đối như trong dự thảo…

Tham gia ý kiến vào dự án Luật Hoá chất (sửa đổi), đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị cần nghiên cứu kỹ đối với quy định về hỗ trợ ưu đãi đặc biệt với lĩnh vực hóa chất trọng điểm do trong dự thảo luật chưa có quy định về cơ chế ưu đãi đặc thù cho phát triển công nghiệp hóa chất.

Đại biểu cho rằng quy định "tất cả các hóa chất khi nhập khẩu phải được khai báo” là phù hợp. Vì thông tin về hóa chất nhập khẩu đảm bảo tính xác thực phục vụ xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch định hướng ngành sản xuất hóa chất, các hóa chất mới có đặc tính nguy hiểm được nhận diện kịp thời và có các hướng dẫn kỹ thuật phù hợp để đảm bảo an toàn, giảm thiểu nguy cơ đối với sức khỏe con người và môi trường. Số liệu về khai báo hóa chất nhập khẩu sẽ được đồng bộ vào Cơ sở dữ liệu hóa chất và cung cấp trực tiếp cho các bộ quản lý chuyên ngành và địa phương, qua đó sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu quan trọng này và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.

Trước đó, tại phiên họp buổi sáng cùng ngày, Quốc hội đã nghe các tờ trình về một số dự án luật như: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Hóa chất (sửa đổi). Nghe tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Duy Tuấn (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đại biểu Tráng A Dương thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế
BHG - Chiều 31.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Tại phiên họp này, đại biểu Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang tham gia một số ý kiến. 
31/10/2024
Đại hội Liên đoàn Bóng bàn tỉnh Hà Giang khóa II
BHG - Sáng 8.11, Liên đoàn Bóng bàn (LĐBB) tỉnh Hà Giang tổ chức Đại hội khóa II, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Dự đại hội có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch danh dự LĐBB tỉnh khóa I; Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo LĐBB Việt Nam; đại diện một số sở, ban, ngành.
08/11/2024
Diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy mô cấp tỉnh
BHG - Sáng 8.11, UBND tỉnh tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) có huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của nhiều cơ quan, tổ chức địa phương và công an các tỉnh lân cận tham gia tại Trạm biến áp 220kV Bắc Quang, thuộc thôn Tân An, xã Hùng An (Bắc Quang).
08/11/2024
UBND tỉnh họp phiên chuyên đề tháng 11
BHG - Sáng 8.11, UBND tỉnh tổ chức phiên họp chuyên đề tháng 11 để xem xét, cho ý kiến vào tờ trình của các sở, ngành trình kỳ họp thứ 19 (chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XVIII và các nội dung khác của các cơ quan, đơn vị. Các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì. Dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành.
08/11/2024