Hội nghị triển khai thi hành các luật: Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản
BHG - Chính phủ vừa tổ chức hội nghị trực tuyến tới các tỉnh, thành phố về triển khai thi hành các Luật: Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư.
Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh |
Dự tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí: Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hoàng Văn Vịnh, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Sau 2 tháng triển khai các luật: Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản, Chính phủ đã cùng với các bộ, ngành, địa phương xây dựng ban hành đồng bộ các văn bản theo thẩm quyền 15 nghị định và 2 quyết định của Thủ tướng. Đối với Luật Đất đai, các bộ, ngành T.Ư đã triển khai, ban hành gần như đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thi hành luật; có 50/63 tỉnh, thành phố đã ban hành đầy đủ hoặc một phần các văn bản quy phạm pháp luật quy định trong luật; còn 13 tỉnh chưa ban hành các văn bản quy phạm pháp luật triển khai luật.
Đối với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng đã ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật triển khai thi hành luật và tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị định triển khai thi hành luật; còn một số bộ ngành T.Ư chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật triển khai thi hành luật; có 13/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật triển khai luật; 50/63 tỉnh, thành phố chưa ban hành (trong đó 10 địa phương đã hoàn thành dự thảo chờ UBND tỉnh và HĐND tỉnh xem xét ban hành).
Đối với tỉnh ta, UBND tỉnh đã ban hành 3 quyết định cụ thể hóa cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương cụ thể các quy định của Luật Đất đai năm 2024; các nội dung khác được giao tại Luật Đất đai và các Nghị định của Chính phủ về triển khai thi hành luật đang được các sở, ngành tham mưu, lấy ý kiến các địa phương và thẩm định của Sở Tư pháp để trình UBND tỉnh và HĐND tỉnh ban hành theo quy định. Về triển khai Luật Nhà ở, các nội dung được giao trong luật đang được các sở, ngành xây dựng dự thảo, xin ý kiến rộng rãi và thẩm định của Sở Tư pháp…
Quá trình triển khai tại địa phương có 15 vướng mắc trong triển khai thi hành Luật Đất đai, tỉnh đã tổng hợp và có văn bản báo cáo, đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn. Đối với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, hiện nay Hà Giang chưa có các loại hình nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân và nhà chung cư nên không khảo sát được số liệu thực tế, làm cơ sở xây dựng khung giá cho thuê nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp…
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, thông tin về những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thực thi các luật; đề xuất các bộ, ngành T.Ư hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương. Đồng thời cam kết thời gian hoàn thành theo chỉ đạo của Chính phủ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có liên quan chặt chẽ, mật thiết đến việc triển khai các nhiệm vụ, dự án cụ thể phục vụ phát triển KT - XH, bảo đảm an ninh quốc phòng. Mục tiêu là tháo gỡ khó khăn, đề ra một số chủ trương, chính sách mới để tạo nguồn lực phát triển, trong đó có thị trường bất động sản, bảo đảm chế độ chính sách về nhà ở. Xuất phát từ yêu cầu giải quyết vướng mắc trong thực tiễn, khơi thông các động lực, phát huy các nguồn lực đất đai, vốn cho phát triển KT - XH của đất nước; từ nguyện vọng của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; kiến nghị của các tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh thành phố về việc cần thiết có hiệu lực sớm các luật này. Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị trình Quốc hội và được sự đồng thuận cao của Quốc hội cho phép có hiệu lực sớm trước 5 tháng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận hội nghị: Việc xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản hết sức cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai các cơ chế, chính sách mới, tạo thuận lợi hơn cho quá trình phát triển. Việc chậm trễ trong xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật ở địa phương phải đánh giá mức độ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế ở địa phương, ảnh hưởng đến lợi ích của các tổ chức, cá nhân, cũng như trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Phó Thủ tướng yêu cầu các lãnh đạo địa phương nắm chắc danh mục văn bản cần ban hành, tình hình, tiến độ thực hiện; chỉ rõ những bất cập, hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực và có giải pháp khắc phục với tinh thần "quyết liệt phải ra kết quả cụ thể". Có thể xem xét hình thức rút gọn khi ban hành những văn bản kế thừa chính sách cũ, đã được quy định trong luật; thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục đối với văn bản phức tạp, ảnh hưởng, tác động lớn. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tổng hợp các nhóm khó khăn, vướng mắc của địa phương khi xây dựng văn bản quy định để trao đổi, làm rõ, và tháo gỡ…
Tin, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc