Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả Dịch vụ công trực tuyến
BHG - Sáng 31.8, tại thành phố Đà Nẵng, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, CĐS và Đề án 06 của tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh. |
Từ năm 2011 đến nay, Việt Nam trải qua 2 giai đoạn phát triển DVCTT gồm giai đoạn khởi động và giai đoạn phát triển đột phá về số DVCTT. Đến nay, tỷ lệ thủ tục hành chính (TTHC) được cung cấp dưới dạng DVCTT đạt khoảng 81%. Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp khoảng gần 4.400 DVCTT, giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện truy cập DVCTT của các bộ, ngành, địa phương thông qua “một cửa” duy nhất. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 43%, tăng gấp 2,5 lần so với cuối năm 2023; trong đó khối bộ, ngành đạt 63%, khối địa phương đạt 17,9%.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Tại tỉnh ta, tỷ lệ TTHC được giải quyết đúng và trước hạn luôn đạt trên 98%; năm 2024, tỉnh giảm thời gian giải quyết trên 265 TTHC ngay từ khâu công bố danh mục TTHC; công bố danh mục 615 DVCTT toàn trình; tỷ lệ nộp hồ sơ DVCTT đạt 94,7%; chất lượng hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng DVCTT toàn trình, tối ưu hóa các bước, quy trình cung cấp DVCTT, phát triển các công cụ, nền tảng, ứng dụng số cung cấp DVCTT dựa trên hạ tầng số, dữ liệu số, có thể đo lường, giám sát trực tuyến và đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng, phát triển nhân lực số, tái cấu trúc quy trình, thành phần hồ sơ trong TTHC; chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: CĐS đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia; có ý nghĩa rất lớn đối với người dân và doanh nghiệp. Trong CĐS, Việt Nam xác định cách tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân nhưng có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể. Cả phía quản lý nhà nước, cung cấp DVCTT và đối tượng thụ hưởng, sử dụng DVCTT đều phải vận dụng CĐS đạt hiệu quả cao nhất. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện xuyên suốt 1 mục tiêu tối thiểu chi phí, thời gian, tạo thuận lợi và phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp; 2 trụ cột: Cắt giảm TTHC nội bộ, tạo điều kiện thuận lợi thủ tục DVCTT cho người dân và doanh nghiệp; 3 đột phá trọng tâm: Pháp lý hóa, số hóa và tự động hóa; 4 không: Không giấy tờ, không tiền mặt, không tiếp xúc nếu pháp luật không quy định, không ai bị bỏ lại phía sau; 5 tăng cường: Tăng cường phân cấp phân quyền; công khai minh bạch, đơn giản hóa TTHC gắn với kết nối, chia sẻ dữ liệu; đầu tư hạ tầng số; đối thoại và xử lý vướng mắc trong quá thực hiện; phát triển nhân lực, kiến thức, kỹ năng số đáp ứng yêu cầu mới. Các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực, nhất là phát huy vai trò người đứng đầu, khắc phục những tồn tại, bất cập; tập trung nguồn lực xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật; cắt giảm, đơn giản hóa tối đa TTHC, tạo môi trường công khai, minh bạch; rà soát, đánh giá lại các DVCTT đảm bảo yêu cầu về mức độ, thuận lợi, đơn giản, thân thiện với người sử dụng. Đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình thiết kế cung cấp các DVCTT; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động các Trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận "một cửa"; tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 06.
Tin, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc