Ủy ban Pháp luật Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 24 tại tỉnh ta
BHG - Sáng 19.7, tại Khách sạn Phoenix (TPHG), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 24 xem xét, thẩm tra các tờ trình của Chính phủ về sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 tại các tỉnh: Sóc Trăng, Nam Định, Tuyên Quang. Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội chủ trì phiên họp. Tham dự có các đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, lãnh đạo Bộ Nội vụ, Thường trực UBND các tỉnh Sóc Trăng, Nam Định, Tuyên Quang.
Quang cảnh phiên họp |
Về phía tỉnh ta, tham dự phiên họp có đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang.
Theo báo cáo về việc triển khai sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 tại các tỉnh: Sóc Trăng, Nam Định, Tuyên Quang; tỉnh Nam Định đề nghị, số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 – 2025 là 2/10 đơn vị cấp huyện và 77/226 đơn vị cấp xã thực hiện sắp xếp. Ngoài các ĐVHC xã thực hiện sắp xếp, tỉnh Nam Định đề nghị thành lập 2 phường trên cơ sở nguyên trạng của 2 xã thuộc thành phố Nam Định. Theo đó, tỉnh Nam Định có tổng số 79/226 ĐVHC cấp xã trong đề án sắp xếp của tỉnh. Kết quả sau sắp xếp tỉnh Nam Định giảm 1 ĐVHC cấp huyện, từ 10 ĐVHC xuống còn 9 ĐVHC (1 thành phố, 9 huyện); giảm 51 ĐVHC cấp xã, từ 226 ĐVHC xuống còn 175 ĐVHC.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp |
Đối với tỉnh Tuyên Quang, đề nghị thực hiện sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp xã; không có đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp. Kết quả sau sắp xếp, tinh Tuyên Quang giữ nguyên 7 đơn vị hành chính cấp huyện (6 huyện, 1 thành phố), giảm 1 ĐVHC cấp xã từ 138 ĐVHC xuống còn 137 ĐVHC.
Đối với tỉnh Sóc Trăng, đề nghị thực hiện sắp xếp 2 ĐVHC cấp xã thành 1 ĐVHC cấp xã; không có ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp. Kết quả sau sắp xếp, tỉnh Sóc Trăng giữ nguyên 11 ĐVHC cấp huyện (1 thành phố, 2 thị xã, 8 huyện); giảm 1 ĐVHC cấp xã (phường).
Tại phiên họp, các đại biểu đề nghị các địa phương thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã quan tâm xử lý những vấn đề đặt ra trong quá trình sắp xếp, như: Chế độ chính sách, sắp xếp, bố trí vị trí việc làm cho đội ngũ cán bộ dôi dư sau sáp nhập; quản lý tài sản, trụ sở các huyện, xã dôi dư và giải quyết các thủ tục hành chính đối với người dân sau khi thay đổi ĐVHC cấp huyện, cấp xã...
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ và quyết tâm chính trị, sự nỗ lực, trách nhiệm cao của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của 3 tỉnh trong việc quán triệt và khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Hồ sơ các Đề án của Chính phủ đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đúng quy định. Trình tự, thủ tục lập các Đề án đáp ứng quy định của Nghị quyết số 35, Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi thực hiện sắp xếp tại 3 tỉnh này, đã giảm được 1 ĐVHC cấp huyện và 53 ĐVHC cấp xã.
Đồng chí Hoàng Thanh Tùng cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 3 tỉnh như đã nêu trong các Đề án của Chính phủ. Việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 3 tỉnh đều cơ bản phù hợp với các quy hoạch có liên quan. Đồng thời yêu cầu Chính phủ tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Pháp luật Quốc hội, đánh giá kỹ các tiêu chí của các ĐVHC cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp, hoàn thiện các Đề án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua trong các kỳ họp tới.
Tin, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc