Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Quyết liệt thực hiện “5 đẩy mạnh”, “5 đảm bảo”, “5 không” trong chuyển đổi số
BHG - Sáng 19.7, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Thường trực Chính phủ với thủ trưởng các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về CĐS. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang. |
Năm 2020 bắt đầu triển khai chương trình CĐS quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện CĐS, áp dụng công nghệ số mang lại hiệu quả phát triển kinh tế vượt trội, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, tăng cường quản lý nhà nước, mở ra những cơ hội mới cho sự sáng tạo và đổi mới. Nổi bật trong đó: Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến tăng trưởng đột phá, đạt 55%, tăng gấp 5 lần so với năm 2010; các chỉ số thành phần về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45% – 55%. Báo cáo của Google đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP; tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử khoảng 25% mỗi năm; xếp hạng thứ 55 toàn cầu về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI). Ngoài ra, để phục vụ phát triển công dân số, Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip; kích hoạt 45,4 triệu tài khoản định danh (đạt 67,5% so với tổng hồ sơ tiếp nhận); ứng dụng VNeID tích hợp thêm nhiều tiện ích (sổ sức khỏe điện tử, giấy phép lái xe, ví điện tử…).
Đối với tỉnh Hà Giang, việc CĐS được thực hiện trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đến nay, đã hoàn thành 60/92 chỉ tiêu, nhiệm vụ CĐS năm 2024. Các doanh nghiệp viễn thông chủ động phối hợp, hỗ trợ một số địa phương triển khai CĐS; ban hành chính sách ưu đãi, khuyến mại, hỗ trợ điện thoại thông minh cho người dân chuyển đổi lên thuê bao 4G, tham gia dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai chợ 4.0, đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia…
Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích, làm rõ kết quả đạt được; chia sẻ kinh nghiệm hay, mô hình thành công trong thực hiện CĐS. Trên cơ sở chỉ rõ những hạn chế, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình CĐS quốc gia.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu thúc đẩy CĐS theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực phục vụ sự phát triển chung của quốc gia; xóa bỏ cơ chế “xin – cho”, chống tham nhũng, tiêu cực trong CĐS. Thực hiện nghiêm nguyên tắc “5 đẩy mạnh”, “5 đảm bảo”, “5 không” trong CĐS quốc gia gồm: Đẩy mạnh thống nhất nhận thức, hành động; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; đầu tư hạ tầng số quốc gia thông suốt, hiệu quả, tiết kiệm; đẩy mạnh an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu; xây dựng văn hóa số. Đảm bảo triển khai CĐS Đề án 06 đồng bộ, hiệu quả; đảm bảo nguồn lực CĐS quốc gia; 100% dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho người dân tiếp cận dễ dàng, an toàn, tiết kiệm, giảm phiền hà; đảm bảo nhân lực CĐS; hài hòa lợi ích người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhà nước. Thực hiện “5 không”: Không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm; không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình CĐS quốc gia; không dùng tiền mặt; không giấy tờ; không để người dân, doanh nghiệp mất nhiều thời gian, công sức, chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính…
Tin, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc