Hội nghị xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025
BHG - Chiều 19.7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác triển khai xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025. Đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang. |
7 tháng đầu năm, tổng thu do cơ quan thuế quản lý ước đạt 1.018.002 tỷ đồng, bằng 68,5% so với dự toán pháp lệnh và bằng 114,8% so với cùng kỳ. Có 13/21 khoản thu, sắc thuế và 26/63 địa phương đạt trên 65% dự toán, 15/21 khoản thu, sắc thuế và 52/63 địa phương tăng trưởng thu so với cùng kỳ. Nền kinh tế tăng trưởng tích cực, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,7%, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 15,7%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,6%.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, nhiều địa phương đặt mục tiêu phát triển KT - XH cao nhằm phấn đấu hoàn thành kế hoạch. Để thực hiện tốt công tác lập và giao dự toán thu Ngân sách năm 2025, Bộ trưởng Bộ tài Chính Hồ Đức Phớc đề nghị các ngành, địa phương tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Xác định đúng mục tiêu thu NSNN năm 2025, bám sát các nguồn thu trên địa bàn để nắm bắt những nguồn thu mới, nguồn thu phát sinh, đặc thù; phân tích, dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước để đánh giá sát khả năng thực hiện thu ngân sách năm 2024 làm cơ sở xây dựng dự toán năm 2025 sát với thực tế. Dự toán ngân sách năm 2025 phải bao quát nguồn thu, đảm bảo tích cực, sát thực tế, tính đúng, đủ từng khoản thu, sắc thuế, lĩnh vực thu; phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2025 bình quân cả nước tăng tối thiểu 5 - 7% so với ước thực hiện năm 2024, mức tăng trưởng từng địa phương đảm bảo phù hợp tăng trưởng kinh tế và nguồn thu phát sinh trên địa bàn.
Triển khai thực hiện kịp thời các chính sách để tháo gỡ khó khăn, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân có thêm nguồn lực tài chính đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu NSNN; dự toán các khoản chi, chính sách an sinh xã hội; xây dựng dự toán cải cách tiền lương trên cơ sở mức lương cơ sở mới đảm bảo trong 12 tháng; tiết kiệm chi thường xuyên; phân cấp cho các địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia; thực hiện quyết liệt công tác quản lý thuế, chống thất thu NSNN; đề xuất những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các luật, nghị định của Chính phủ về Bộ Tài chính để trình Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ, giải quyết.
Tin, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc