Đoàn khảo sát Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm việc với Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh
BHG - Sáng 18.7, Đoàn khảo sát Ủy ban Pháp luật của Quốc hội do đồng chí Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh về thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp tại tỉnh ta. Làm việc với đoàn có các đồng chí: Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang; Hoàng Văn Vịnh, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, các Ban HĐND tỉnh và Thường trực HĐND các huyện Quản Bạ, Bắc Mê, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Trần Hồng Nguyên phát biểu tổng hợp các nội dung buổi làm việc |
Theo báo cáo của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, qua 8 năm thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, vị trí, vai trò của hoạt động giám sát được khẳng định; hiệu lực, hiệu quả giám sát nâng lên rõ rệt; tính chủ động, sáng tạo, công khai, dân chủ được phát huy, góp phần hạn chế vi phạm và bảo đảm Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Lý Thị Lan báo cáo hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tại Hà Giang |
Hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh đã tác động tích cực tới hoạt động lập pháp, tạo cơ sở cho ĐBQH phát huy vai trò trong quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; việc triển khai hiệu quả nhiều hình thức giám sát và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức, trong đó tập trung vào những vấn đề bức xúc, được dư luận đồng tình; tránh được sự chồng chéo, trùng lặp với hoạt động giám sát của HĐND tỉnh... Từ năm 2016 đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thực hiện gần 40 cuộc giám sát. Thông qua giám sát đã có trên 300 kiến nghị đối với các cấp, ngành ở T.Ư và địa phương.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Vịnh báo cáo việc thực hiện hoạt động giám sát của HĐND các cấp tại địa phương |
Hoạt động giám sát của HĐND các cấp đi vào các nội dung toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung vào các lĩnh vực KT – XH, những vấn đề nhân dân bức xúc, việc thu – chi ngân sách nhà nước, việc thực thi Hiến pháp, luật, pháp lệnh và nghị quyết của HĐND ở địa phương; hình thức giám sát, phương thức tổ chức hoạt động giám sát ngày càng được đổi mới theo hướng phát huy dân chủ, nâng cao tính công khai, minh bạch; phát huy tính chủ động, tích cực của các chủ thể thực hiện giám sát, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng chịu sự giám sát; qua giám sát góp phần quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách và quản lý điều hành KT – XH, QP – AN, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, được cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Thành viên Đoàn khảo sát trao đổi tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, Đoàn ĐBQH và HĐND các cấp của tỉnh đã chia sẻ hoạt động giám sát tại địa phương, những thuận lợi, khó khăn, giải pháp thực hiện hiệu quả công tác giám sát tại địa phương. Đồng thời cho rằng qua thực tiễn triển khai Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, một số quy định của Luật không còn phù hợp và phát sinh các vấn đề cần được nghiên cứu, điều chỉnh. Qua đó các đại biểu đề xuất một số nội dung cụ thể vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên đánh giá cao hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH và HĐND các cấp của Hà Giang; đồng thời cảm ơn sự đón tiếp chu đáo, sự chia sẻ thẳng thắn, cởi mở của các đại biểu tại buổi làm việc, nhất là những khó khăn, bất cập, hạn chế trong hoạt động giám sát tại địa phương, cơ sở. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định các ý kiến tại buổi làm việc sẽ được đoàn tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của ĐBQH và HĐND.
Tin, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc