Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang thảo luận về 2 dự án Luật mới
BHG - Chiều 20.6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận tại tổ về dự án Luật Địa chất và khoáng sản, dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Tham gia thảo luận tại tổ 6, đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang góp ý một số nội dung cụ thể vào 2 dự án Luật trên.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định góp ý vào 2 dự án Luật. Ảnh: CTV |
Với dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu Hoàng Ngọc Định cho biết, việc xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn nhằm thể chế hóa định hướng tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hoàn thiện và đồng bộ các quy định của pháp luật về quy hoạch khu vực đô thị và nông thôn; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3.6.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời, khắc phục các vướng mắc, bất cập nảy sinh trong quá trình triển khai Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng hiện nay.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: CTV |
Đối với quy định về phân cấp thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thuộc thẩm quyền của Chính phủ cho UBND cấp tỉnh, theo đại biểu Hoàng Ngọc Định thì việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung là phù hợp với chủ trương phân cấp cho chính quyền cơ sở trong thực thi công vụ và cải cách hành chính, qua đó sẽ đảm bảo đẩy nhanh tiến độ, thúc đẩy thu hút nguồn lực và cải thiện môi trường đầu tư.
Liên quan đến quy định về cấp độ lập quy hoạch phân khu đối với các đô thị loại III, IV và V, theo đại biểu thì chỉ nên yêu cầu lập quy hoạch đủ 3 cấp độ gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết đối với các đô thị loại II trở lên, không nên quy định lập phân khu đối với các đô thị loại III, IV và V...
Tham gia vào dự án Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Hoàng Ngọc Định cho biết dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản đã kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản năm 2020 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ, cập nhật, sửa đổi, sung các quy định hiện hành để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá triển khai phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng để thực hiện tốt nhiệm vụ kết hợp quốc phòng với phát triển KT – XH trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản. Đặc biệt, nội dung liên quan đến việc xây dựng tiêu chí, danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng phục vụ chiến lược phát triển KT – XH và chiến lược quân sự, quốc phòng.
Tham gia phiên họp tổ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh làm rõ thêm những ý kiến đã được các đại biểu quốc hội nêu tại phiên họp. Đồng thời, sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp mới để bổ sung dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản trong thời gian sớm nhất.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, những ý kiến xây dựng luật của các ĐBQH sẽ được cơ quan soạn thảo hoàn thiện để Luật Địa chất và khoáng sản khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành đã được tổng kết, đánh giá; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là các Luật có liên quan đến lĩnh vực địa chất, khoáng sản; đồng thời bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, tính minh bạch trong việc kiểm soát hoạt động khoáng sản và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của ngành địa chất, khoáng sản.
Duy Tuấn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc