Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
BHG - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 23.5, Quốc hội thảo luận tại tổ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 6. Ảnh: CTV |
Thảo luận tại tổ 6 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai. Các đại biểu Đoàn Hà Giang đã tham gia nhiều ý kiến tâm huyết trách nhiệm, hiến kế để Chính phủ có giải pháp hoàn thành các mục tiêu đề ra. Trong đó, có giải pháp hiệu quả tháo gỡ điểm nghẽn về năng suất lao động; kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, giá vàng; lồng ghép bình đẳng giới trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia…
Đại biểu Phạm Thúy Chinh thảo luận về tình hình thu, chi ngân sách nhà nước. Ảnh: CTV |
Đại biểu Phạm Thuý Chinh đánh giá việc thu – chi ngân sách năm 2023 đã có nhiều bước tăng trưởng, tuy nhiên việc thu ngân sách năm vừa qua chưa bền vững, nguyên nhân là do phân tích dự báo thu chưa sát, ảnh hưởng đến chất lượng dự toán; nợ đọng thuế còn cao; công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp khó khăn, vướng mắc; giải ngân vốn ngoài nước tiếp tục đạt thấp… Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng xây dựng dự toán thu NSNN hằng năm.
Đại biểu Tráng A Dương thảo luận về các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới. Ảnh: CTV |
Cho ý kiến về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, Phó Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho biết: Tại tỉnh Hà Giang, việc triển khai chính sách, pháp luật về bình đẳng giới vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử như, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, chính sách pháp luật về bình đẳng giới chưa sâu rộng và thường xuyên, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; việc phân tích, đánh giá tác động về giới và lồng ghép giới trong xây dựng, triển khai các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển KT - XH còn hạn chế, nhất là việc lồng ghép giới trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu Vương Thị Hương tham gia thảo luận. Ảnh: CTV |
Tham gia thảo luận vào nội dung trên, đại biểu Vương Thị Hương và đại biểu Tráng A Dương cũng có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề khung pháp lý về bình đẳng cho nữ giới trong việc học tập, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm và độ tuổi nghỉ hưu của nữ giới; tỷ lệ nữ giới được tham gia vào các chức vụ lãnh đạo; việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong chiến lược, chương trình, đề án phát triển KT - XH...
Qua các vấn đề phân tích, đại biểu Lý Thị Lan, Vương Thị Hương, Tráng A Dương cho rằng, rất cần sự chung tay, vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới; thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục, nội dung, chất lượng đánh giá tác động giới và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án, dự án…
Duy Tuấn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc