Đại biểu QH Lý Thị Lan thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
BHG - Chiều 28.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại hội trường vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan đã tham gia góp ý một số nội dung liên quan đến các khu công nghệ cao được quy định tại Điều 24 trong dự thảo luật.
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan đồng tình cao với các quy định về chính sách, giải pháp vượt trội trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH khoá XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan tham gia thảo luận. Ảnh: CTV |
Phó Trưởng đoàn Lý Thị Lan cho rằng với việc Dự thảo Luật đã bổ sung, hoàn thiện những quy định mang tính đột phá, vượt trội quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 24 để giúp cho Khu công nghệ cao Hoà Lạc có nhiều hơn nữa cơ hội và lợi thế để phát triển, đó là các nhóm quy định vượt trội về bố trí vốn ngân sách Thành phố hỗ trợ Khu công nghệ cao Hoà Lạc; nhóm các quy định về vị trí pháp lý của Ban Quản lý Khu công nghệ cao.
Liên quan đến quy định chuyển tiếp về quản lý sử dụng đất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc và về thẩm quyền quản lý đất đai của Ban quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết trong bối cảnh Luật Đất đai năm 2024 chuẩn bị có hiệu lực thi hành trong đó có những quy định mới, khác với quy định của Luật Đất đai năm 2013 đang được thực hiện tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc nhưng lại chưa có quy định chuyển tiếp. Do vậy đại biểu nêu 3 đề xuất chỉnh lý, bổ sung để Quốc hội nghiên cứu, thảo luận.
Thứ nhất, rà soát, chỉnh sửa quy định chuyển tiếp tại khoản 5 Điều 54 theo nguyên tắc bảo đảm tính ổn định, thống nhất và đồng bộ trong quản lý đất đai tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, minh bạch thông qua việc cho phép tất cả các nhà đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đều trực tiếp thuê đất của Nhà nước như hiện nay đang thực hiện, thay vì quy định các chế độ quản lý đất đai khác nhau đối với từng khu chức năng, có khu vực người sử dụng đất (bao gồm cả nhà đầu tư, cơ quan nhà nước hay đơn vị sự nghiệp khoa học, sự nghiệp giáo dục...) phải thuê lại đất của chủ đầu tư hạ tầng theo quy định mới của Luật Đất đai 2024 (điểm c khoản 5) và không còn được hưởng các ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất.
Thứ hai, bổ sung quy định chuyển tiếp về việc Khu công nghệ cao Hoà Lạc được tiếp tục thực hiện theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (từ năm 1998, điều chỉnh 2 lần vào năm 2008, 2016) để đảm bảo tính liên tục, kế thừa và ổn định trong việc thực hiện quy hoạch và phát triển đồng bộ Khu công nghệ cao Hoà Lạc phù hợp với mục tiêu không thay đổi từ khi thành lập tới nay.
Thứ ba, bổ sung quy định chuyển tiếp về thẩm quyền của Ban quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc trong quản lý đất đai theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 các văn bản hướng dẫn thi hành (bao gồm thẩm quyền quản lý Quỹ đất công nghệ cao Hoà Lạc đã được bồi thường GPMB; thẩm quyền giao lại đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, thu hồi đất trong các trường hợp Luật đất đai quy hoạch, quản lý quỹ đất đã thu hồi, quy định trình tự, thủ tục hành chính về đất đai Khu công nghệ cao...). Đại biểu cho biết, việc bổ sung quy định chuyển tiếp này sẽ không gây ra sự xáo trộn, đứt quãng trong quản lý, tạo thuận lợi cho việc thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa, tại chỗ”, tăng cường tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của Ban quản lý Khu công nghệ cao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Duy Tuấn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc