Đại biểu Phạm Thúy Chinh, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đề nghị có giải pháp cụ thể về nguồn đối ứng của địa phương đối với dự án cao tốc Bắc - Nam
BHG - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, chiều ngày 25.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắc Nông) – Chơn Thành (Bình Phước); điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030; đóng góp một số ý kiến nhằm hoàn thiện các tờ trình, báo cáo của Chính phủ.
Đại biểu Lý Thị Lan, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang chủ trì phiên thảo luận. Ảnh: CTV |
Tại tổ 6, dưới sự chủ trì của đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang, Đoàn ĐBQH các tỉnh: Sóc Trăng, Đồng Nai, Hà Giang đã tham gia nhiều ý kiến. Cơ bản các đại biểu đồng tình với sự cần thiết trong việc đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắc Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), góp phần thúc đẩy KT – XH của vùng cũng như của riêng 2 địa phương.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh tham gia thảo luận. Ảnh: CTV |
Trong đó, đại biểu Phạm Thúy Chinh, Đoàn ĐBQH khoá XV đơn vị tỉnh Hà Giang đã yêu cầu Chính phủ làm rõ tính khả thi nguồn đối ứng của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự án cao tốc… Theo đại biểu Chinh đánh giá: Hồ sơ của Chính phủ trình rất công phu, chi tiết. Nguồn vốn đề xuất thực hiện dự án từ Ngân sách Trung ương, địa phương và nguồn đầu tư theo phương thức đối tác công tư (BOT). Song, đại biểu băn khoăn, mặc dù đã có cam kết của các địa phương về tiến độ, nguồn vốn đối ứng. Hai địa phương này hiện chưa tự cân đối được ngân sách, hằng năm vẫn nhận hỗ trợ từ ngân sách T.Ư. Do vậy, việc cam kết bố trí vốn ngân sách địa phương như dự kiến sẽ rất khó khăn, đề nghị phải có giải pháp cụ thể hơn, tránh tình trạng sau một thời gian triển khai lại chuyển sang nguồn vốn Trung ương.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi từ nguồn vốn đầu tư BOT. Làm rõ nội dung này, đại biểu cho biết: Phương án tính toán tài chính, thu hồi vốn của dự án theo phương thức đầu tư này dựa trên lưu lượng xe. Lấy dẫn chứng từ cao tốc Lạng Sơn, lưu lượng xe thực tế chỉ bằng 1/3 so với dự kiến ban đầu. Do đó, khả năng thu hồi vốn là vô cùng khó khăn. Bởi vậy, trong hồ sơ trình Quốc hội, Chính phủ cần tính toán lưu lượng xe phù hợp, sát thực tiễn. Mặt khác, cũng cần đề cập đến vấn đề rủi ro đối với phương thức đầu tư BOT trong báo cáo; bổ sung vấn đề ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trong thi công, quản lý dự án.
Duy Tuấn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc