Rà soát, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án bất động sản
BHG - Sáng 11.3, tại Hà Nội, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho địa phương, doanh nghiệp tổ chức họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố nhằm rà soát, tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản. Dự và chỉ đạo có đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; tham dự có lãnh đạo Bộ Xây dựng và các thành viên Tổ công tác.
Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý và lãnh đạo các sở, ngành dự tại điểm cầu tỉnh |
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm tới hoạt động kinh doanh bất động sản. Đồng chí nhấn mạnh các dự án bất động sản có tác động tới nhiều ngành, lĩnh vực nhất là lĩnh vực ngân hàng, tín dụng... Phó Thủ tướng cho rằng hiện phân khúc bất động sản dành cho người có thu nhập cao đang thừa, trong khi phân khúc bất động sản dành cho người thu nhập trung bình và thấp lại thiếu. Đó là sự bất cập lớn. Đồng thời có những dự án, doanh nghiệp đã thổi giá bất động sản lên cao bất bình thường khiến thị trường bất động sản chao đảo. Đã có nhiều doanh nghiệp, cá nhân bị cơ quan chức năng xử lý.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hoạt động kinh doanh bất động sản khi phát triển sôi động sẽ kéo theo hệ sinh thái với hàng trăm lĩnh vực tham gia, phát triển. Vì vậy, cần sự vào cuộc cởi mở, chia sẻ, quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản nói riêng, thị trường bất động sản nói chung.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau một năm triển khai Nghị quyết số 33, ngày 11.3.2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu phục hồi và chuyển biến tích cực. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, xây dựng, quy hoạch, nhà ở, kinh doanh bất động sản đã được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục, pháp lý dự án. Tuy nhiên đến nay vẫn còn một số vướng mắc, đặc biệt là liên quan đến pháp luật về đất đai, thủ tục giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất tại nhiều dự án, nhiều địa phương.
Trong năm 2023, nguồn cung bất động sản còn hạn chế so với năm 2022; riêng quý IV có sự chuyển biến theo xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước như: Số lượng nhà ở thương mại hoàn thành tăng 19,05%; số lượng dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở hoàn thành tăng 88%... Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Xây dựng 53/63 tỉnh, thành phố, năm 2023 có 433.444 giao dịch bất động sản thành công, chỉ bằng 55,2% so với năm 2022; có 126.171 giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công, bằng 81,5% năm trước; lượng giao dịch thành công chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền với 307.272 giao dịch, bằng 48,7% so với năm 2022.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, các dự án bất động sản, Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 12 văn bản; các bộ, ngành liên quan ban hành 17 văn bản; trình Quốc hội xem xét thông qua 5 dự án luật; Tổ công tác nhận được 142 văn bản kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương liên quan đến 191 dự án bất động sản, 100% các văn bản được xem xét, đôn đốc xử lý...
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố báo cáo, làm rõ thêm các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản và tập trung thảo luận đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Tin, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc