Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuộc họp tham vấn các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc
BHG - Chiều 15.3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức họp trực tiếp với các bộ, ngành liên quan kết hợp trực tuyến với 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhằm lấy ý kiến tham vấn các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông chủ trì cuộc họp. Dự cuộc họp tại điểm cầu của tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Vũ Văn Hồng phát biểu ý kiến tại cuộc họp. |
Toàn bộ địa giới hành chính vùng Trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái. Cấu trúc tổng thể của Quy hoạch vùng được tổ chức phát triển theo 4 tiểu vùng và 6 hành lang phát triển, 3 vành đai phát triển. Mục tiêu tổng quát, đến năm 2030, vùng trung du và miền núi phía Bắc là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng với vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung… Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị ngày 10.2.2022 và Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã xây dựng Dự thảo báo cáo về cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc gồm 4 nhóm chính sách, gồm: Phát triển hạ tầng giao thông; Phát triển kinh tế cửa khẩu và hạ tầng biên giới; an sinh xã hội; Quản lý, phát triển rừng và nguồn nước.
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho rằng các cơ chế, chính sách triển khai cần phải phù hợp với địa phương và tiềm năng thế mạnh vùng, từ đó sẽ thúc đẩy sự phát triển KT – XH của các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tuy nhiên về các nhóm chính sách cụ thể, Bộ KH&ĐT nghiên cứu thêm các chính sách về phát triển kinh tế đêm; bảo vệ, phát triển rừng và nguồn nước; hỗ trợ giao đất, giao rừng để các chủ rừng yên tâm chăm sóc, bảo vệ rừng; hỗ trợ xây dựng nhà công vụ cho cán bộ, y tế ở vùng sâu, vùng xa; quan tâm, hỗ trợ người dân ở các xã vùng ATK, CT229; có nhóm chính sách hỗ trợ kéo đường lưới điện quốc gia; cơ chế huy động nguồn lực đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới, hạ tầng giao thông, du lịch kết nối vùng; tỷ lệ phân cấp nguồn thu trong lĩnh vực khoáng sản… Đồng tình với dự thảo báo cáo, ngoài các ý kiến của một số địa phương, tỉnh Hà Giang đề xuất bổ sung, đưa Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy vào danh mục các Khu kinh tế trọng điểm để đầu tư trong giai đoạn 2026 – 2030, tạo điều kiện phát triển KT – XH của tỉnh.
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông đánh giá cao ý kiến phát biểu tại cuộc họp và đồng tình với đề xuất của các đại biểu. Bộ KH&ĐT đề nghị sau cuộc họp, các địa phương, bộ, ngành liên quan sẽ có văn bản cụ thể đánh giá thực trạng, hạn chế, các văn bản quy phạm pháp luật, tác động đối với các chính sách mới... Đồng thời, tiếp tục công tác phối hợp triển khai rà soát hoàn thiện báo cáo trình cấp trên để ban hành, thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù mang lại hiệu quả, nâng cao đời sống cho Nhân dân vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Tin, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc