Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang thảo luận vào dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

16:55, 10/11/2023

BHG - Sáng 10.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV chia tổ thảo luận vào dự thảo Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Thảo luận tại tổ 6, các ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang gồm các ông, bà: Lý Thị Lan, Phó Trưởng đoàn chuyên trách; Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội; Hoàng Ngọc Định, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh góp ý vào 2 dự thảo luật trên.

Toàn cảnh phiên họp tập trung tại hội trường trước khi họp tổ. Ảnh: CTV
Toàn cảnh phiên họp tập trung tại hội trường trước khi họp tổ. Ảnh: CTV
Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Ảnh: CTV
Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Ảnh: CTV

Thảo luận về dự thảo Luật Đường bộ, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Lý Thị Lan đề nghị bổ sung thêm phần giải thích từ ngữ một số cụm từ như “công trình phụ trợ”, “mạng lưới đường bộ”“vận tải đường bộ”  Đây là những cụm từ không được giải thích dù có cả một chương, mục quy định. Ngoài ra, xuyên suốt dự thảo luật, nhiều nội dung có tính chất giải thích, định nghĩa dù được quy định nhưng với hình thức riêng lẻ tại từng điều khoản khác nhau cũng gây khó khăn trong tra cứu. Đồng thời, Ban soạn thảo cần bố cục lại nội dung tại khoản 5, Điều 3 đến khoản 15, Điều 3 cho khoa học, dễ hiểu và dễ tra cứu.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: CTV
Quang cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: CTV

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Lý Thị Lan nhất trí cần quy định một điều về quy hoạch mạng lưới đường bộ, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và quy định về cơ sở dữ liệu đường bộ đảm bảo phù hợp với việc chuyển đổi số, chính quyền số trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng kịp thời với sự phát triển KT – XH và công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, việc quy hoạch phải đảm bảo phù hợp với mạng lưới giao thông trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Đồng thời quy định về thẩm quyền quy hoạch đường bộ đảm bảo tính phân quyền cụ thể đối với từng cấp quản lý.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Lý Thị Lan thảo luận tại tổ. Ảnh: CTV
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Lý Thị Lan thảo luận tại tổ. Ảnh: CTV

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Lý Thị Lan cũng đề nghị Ban soạn thảo sửa một số cụm từ trong Điều 10 về phân loại đường bộ theo cấp quản lý cho ngắn gọn, khoa học, dễ hiểu. Tại Điều 20 về xây dựng, lắp đặt công trình hạ tầng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, đề nghị làm rõ cơ quan có thẩm quyền quản lý đường bộ là cơ quan nào để tránh lúng túng và đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện; bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này vì việc xây dựng, lắp đặt công trình hạ tầng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau.

Đại biểu đề nghị bổ sung 1 khoản về giao thẩm quyền quy định cụ thể về Công trình phụ trợ gắn liền với đường bộ tại Điều 22; bổ sung thêm quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục thẩm tra, thẩm định và khoản 7, Điều 29 và Điều 30 cho đầy đủ; làm rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh tại khoản 7, Điều 50 quy định về niên hạn sử dụng của xe cơ giới; xem xét, điều chỉnh khoản 4, Điều 55 và khoản 7, Điều 61 cho phù hợp và tạo điều kiện thuận lơi cho tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải đường bộ.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: CTV
Đại biểu Phạm Thúy Chinh phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: CTV

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Lý Thị Lan, hiện các loại hình kinh doanh vận tải như xe chung, xe ghép rất phổ biến, được ưa chuộng, có tính cạnh tranh cao với các loại hình kinh doanh vận tải truyền thống, tuy nhiên trong dự thảo luật chưa được định nghĩa, đề nghị bổ sung cho phù hợp. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đối, rà soát lại những nội dung có thể phát sinh thủ tục hành chính để có quy định trực tiếp tại luật hoặc giao thẩm quyền cho Chính phủ, bộ, ngành, địa phương để đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Với các nội dung liên quan đến phân cấp, cần quy định cụ thể tại luật hoặc giao cho cơ quan có thẩm quyền quy định để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Cũng góp ý vào dự thảo luật này, theo đại biểu Phạm Thúy Chinh, dự thảo Luật Đường bộ lần này đã đề cập đến một số loại hình dịch vụ số trong vận chuyển hành khách công cộng. Đại biểu cho rằng, trong quy định kinh doanh vận tải, tại khoản 6, Điều 61 sử dụng 2 tiêu chí “điều hành phương tiện, lái xe” và “quyết định giá cước vận tải” để định danh doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Theo đại biểu, nội dung quy định trong điều này sẽ khiến các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng phần mềm kết nối hành khách và tài xế trên thị trường hiện nay vốn đang thuộc lĩnh vực khởi nghiệp – sáng tạo, startup bị định danh là doanh nghiệp vận tải. Do đó, các doanh nghiệp này sẽ phải tuân thủ các điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải, là loại hình kinh doanh có điều kiện. Trong khi đây là doanh nghiệp phần mềm, thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, không phải doanh nghiệp vận tải bởi những doanh nghiệp này không sở hữu phương tiện, không có lái xe, không tham gia vào công đoạn vận chuyển hành khách.

Đại biểu cho rằng, việc quy định một doanh nghiệp cung cấp nền tảng số trung gian thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ gây nên sự chồng chéo về nghĩa vụ tuân thủ, tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp. Vì vậy đề nghị giữ nguyên định nghĩa về kinh doanh vận tải như hiện nay và sửa lại Điều 88 dự thảo luật về ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô để bao gồm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng gọi xe, phù hợp với bản chất của loại hình này và thực tiễn thị trường.

      Đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng theo khoản 10 Điều 61 dự thảo luật, xe ô tô con kinh doanh vận tải sẽ đều được gọi là xe taxi: “Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô con để thực hiện vận tải theo yêu cầu của hành khách”; trong khi quy định tại khoản 11 điều này chỉ ô tô khách mới được kinh doanh vận tải theo hợp đồng với một bên là đơn vị kinh doanh vận tải. Như vậy chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay. Đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định hiện nay, cho phép ô tô con được hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Góp ý vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, theo đại biểu Hoàng Ngọc Định, dự thảo luật đã điều chỉnh đầy đủ quy định về bảo vệ an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị chỉnh lý, bổ sung khoản 6, Điều 36 về bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ: “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành các quy định liên quan đến kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, xe máy chuyên dùng sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh”.

Đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung thêm một số nội dung vào điểm b, khoản 1, Điều 38 và khoản 3 Điều 54 để đảm bảo khoa học, phù hợp, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật và thực tiễn. Tại điểm b, khoản 1, Điều 76, đại biểu đề nghị thay cụm từ “điều tra quân sự” bằng cụm từ "điều tra hình sự quân đội có thẩm quyền”.

Trước phiên họp tổ, Quốc hội họp tập trung tại hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Duy Tuấn (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn dự Ngày hội đại đoàn kết thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú

BHG - Sáng 10.11, nhân Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18.11.1930 - 18.11.2023), Ban mặt trận tổ quốc thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú (Đồng Văn) tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Tới dự có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vương Ngọc Hà, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Đồng Văn.​​​​​​​

10/11/2023
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kiểm tra tiến độ dự án ĐT.176B và dự Ngày hội Đại đoàn kết tại Bắc Mê

BHG - Ngày 9.11, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra thực tế tiến độ dự án cải tạo, nâng cấp đường Minh Ngọc – Mậu Duệ (ĐT.176B), giai đoạn I, từ Km7+200 đến Km27+500 và dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Bản Lạn, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê). Cùng đi có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

10/11/2023
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn làm việc với BTV Huyện ủy Bắc Mê

BHG - Sáng 10.11, Đoàn công tác của BTV Tỉnh ủy do đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với BTV Huyện ủy Bắc Mê, kiểm tra kết quả công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ phát triển KT – XH 10 tháng; phương hướng, nhiệm vụ 2 tháng cuối năm 2023. Dự buổi làm việc có đồng chí Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.

10/11/2023
Đoàn công tác BTV Tỉnh ủy làm việc với BTV Huyện ủy Hoàng Su Phì

BHG - Để kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị 10 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 2 tháng cuối năm, sáng 10.11, đoàn công tác của BTV Tỉnh ủy do đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với BTV Huyện ủy Hoàng Su Phì. Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy: Vàng Seo Cón, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Nguyễn Minh Tiến, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Trần Quang Minh, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy; Trần Mạnh Lợi, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy; lãnh đạo Báo Hà Giang, Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Giáo dục – Đào tạo, huyện Hoàng Su Phì.

10/11/2023