Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
BHG - Ngày 3.11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tiếp tục chương trình nghị sự, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dành thời gian thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu Vương Thị Hương và Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đã tham gia nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo luật này.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: CTV |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội lắng nghe, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý của đại biểu vào dự thảo Luật. Ảnh: CTV |
Theo đại biểu Vương Thị Hương, Luật Đất đai là luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phức tạp, có tác động đến mọi mặt của đời sống, KT - XH của đất nước. Sau khi cho ý kiến tại các kỳ họp trước dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp thu cơ bản các ý kiến tham gia của các đại biểu, các tầng lớp nhân dân và cử tri; Luật sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài, tránh hợp thức hóa những vi phạm, các vấn đề phát sinh trong thực tiễn mang tính sự vụ, hiện tượng.
Đại biểu đồng tình cao với các nội dung dự thảo Luật. Đồng thời tham gia một số ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật như: Cử tri quan tâm nhiều đến nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển KT – XH vì lợi ích quốc gia, công cộng. Dự thảo Luật đã quy định cụ thể các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... Có thể thấy rằng, các chính sách về giá đất và chính sách chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được chỉnh lý, hoàn thiện tương đối đồng bộ đảm bảo phù hợp thị trường và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người sử dụng đất. Tuy nhiên, đối với các dự án đầu tư công phải thực hiện thu hồi đất tái định cư cho các hộ dân ra vị trí khác, đề nghị cần quy định cho lập dự án tái định cư riêng và được triển khai trước khi thu hồi đất để thực hiện dự án.
Đại biểu Vương Thị Hương tham gia thảo luận. Ảnh: CTV |
Đối với việc thu hồi đất nông nghiệp do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng quy định tại Điều 182 của dự thảo Luật về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện… Tuy nhiên, dự thảo chưa có quy định cụ thể trong trường hợp nào thì phải thu hồi, bàn giao về địa phương quản lý để có quỹ đất giao cho người dân sản xuất. Do đó đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể trong các văn bản thi hành Luật để dễ thực hiện.
Theo đại biểu Vương Thị Hương, thực tế hiện nay ở vùng cao, biên giới còn rất nhiều hộ, cá nhân đang sử dụng đất hợp pháp nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận do điều kiện kinh tế khó khăn, không có tiền nộp để thực hiện việc đo đạc lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận và thực hiện các nghĩa vụ tài chính, do đó gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai tại địa phương; người dân cũng không được sử dụng các quyền của mình theo quy định của pháp luật (thế chấp, góp vốn…). Nếu để kéo dài sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ như người dân gặp khó khăn về kinh tế nên phải chuyển nhượng, dẫn đến tình trạng thiếu đất (đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo đói). Đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 8 Điều 16 chính sách của Nhà nước hỗ trợ kinh phí đo đạc, lập hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận; đồng thời có chính sách giảm tiền sử dụng đất phù hợp đối với các trường hợp tại điểm a khoản 2 Điều 16 để người dân có điều kiện an cư, yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Đại biểu cho rằng tại Khoản 7, Điều 81 quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai đối với đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không đưa đất vào sử dụng theo thời hạn ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nếu quy định cứng đối với các trường hợp này sẽ gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm của chính quyền địa phương, vì phong tục, tập quán và thực tế của từng vùng miền, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng cao, biên giới; do địa hình, thổ nhưỡng và tập quán sản xuất luân canh, sau khi sản xuất một số năm đất bị bạc màu thì đồng bào để đất không và 2 - 3 năm sau mới tiếp tục canh tác. Đề nghị Chính phủ khi ban hành các văn bản dưới Luật cần xem xét quy định cho phù hợp với thực tế của các vùng miền.
Đại biểu Tráng A Dương thảo luận. Ảnh: CTV |
Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Tráng A Dương đánh giá cao Chính phủ đã tập trung chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu và giải trình, chỉnh lý hoàn thiện, bổ sung dự án luật trình tại Kỳ họp này. Theo đại biểu tại Khoản 3 Điều 11 của dự thảo luật về những hành vi bị nghiêm cấm quy định “vi phạm chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số”. Như vậy sẽ rất khó khăn cho cán bộ cấp xã xác định việc vi phạm. Đề nghị văn bản dưới luật cần quy định cụ thể về các hành vi vi phạm này.
Về thu hồi đất để phát triển KT – XH vì lợi ích quốc gia, công cộng thể hiện tại Điều 79, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về dự án thu hồi đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, sinh viên cũng nhằm mục đích phát triển KT – XH, mục đích công cộng.
Tại Điều 85, quy định về thu hồi đất và chấp hành quy định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển KT – XH vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu đề nghị nghiên cứu và điều chỉnh Khoản 1 cho phù hợp, bởi việc quy định như dự thảo luật là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp là quá lâu. Nên điều chỉnh quy định 30 ngày đối với đất nông nghiệp và 60 ngày đối với đất phi nông nghiệp sẽ góp phần rút ngắn thời gian thu hồi đất, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên.
Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 91, đại biểu Tráng A Dương đề nghị nghiên cứu điều chỉnh khoản 7 để khắc phục tình trạng hiện nay là hộ dân có vườn, thửa ruộng sau khi dự án đi qua thì không còn đường thoát nước, tưới tiêu; hoặc đất ở đô thị sau khi bị thu hồi sẽ không còn đủ điều kiện để ở và được gọi là đất siêu bé, siêu méo.
Về giao đất có thu tiền sử dụng đất quy định tại Điều 120, đại biểu đề nghị bổ sung vào Khoản 2 quy định chủ thể là Tổng Liên đoàn được tham gia đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê theo quy định của pháp luật về nhà ở nhằm đảm bảo sự đồng bộ, tương thích với Luật Nhà ở.
Đại biểu Tráng A Dương đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thiết kế bổ sung trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất và trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các điều khoản tương ứng cho đối tượng sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động thuê đang quy định tại Điều 158 của dự thảo Luật.
Đại biểu Vương Thị Hương và đại biểu Tráng A Dương đề nghị Quốc hội sớm thông qua dự thảo Luật nhằm giải quyết các tồn tại, vướng mắc về đất đai hiện nay, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước.
Duy Tuấn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc