Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang) thảo luận góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi)
BHG - Chiều 9.11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV chia tổ thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi). Thảo luận tại tổ 6, đại biểu Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang tham gia góp ý một số nội dung.
Theo đại biểu Tráng A Dương, sau nhiều năm thi hành Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (TAND), bên cạnh những thành tựu đạt được, còn tồn tại những vướng mắc, bất cập và một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay. Các nghị quyết, văn kiện của Đảng đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp về cải cách tư pháp, cần phải thể chế hóa để đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án trong giai đoạn mới với trọng tâm là “đẩy mạnh cái cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật". Đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND là cần thiết.
Đại biểu Tráng A Dương thảo luận tại tổ 6. Ảnh: CTV |
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Tráng A Dương đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu xem xét giữ nguyên, không thay đổi tên TAND cấp tỉnh, cấp huyện như luật hiện hành thay vì đổi tên TAND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh thành TAND phúc thẩm, sơ thẩm như trong dự thảo luật đang sửa đổi. Theo đại biểu, chức năng nhiệm vụ tại TAND tỉnh bao gồm xét xử “sơ thẩm” và “phúc thẩm”. Do đó, việc đổi tên các tòa án này dẫn tới không tương thích với tổ chức của các cơ quan tư pháp khác ở địa phương (như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự). Bên cạnh đó, đổi tên TAND phúc thẩm nhưng tòa án này vẫn có thẩm quyền xét xử sơ thẩm một số vụ án. Vì vậy, việc thay đổi tên gọi của cả hai cấp tòa án dẫn tới phải sửa đổi, bổ sung một số đạo luật trong lĩnh vực tư pháp có liên quan, như Luật Tố tụng, Luật Thi hành án dân sự...
Mặt khác, theo đại biểu, việc thay đổi, ghi thêm thẩm quyền sơ thẩm vào tên tòa án cấp huyện sẽ dẫn đến thay đổi của tòa án như đổi dấu cơ quan, biển hiệu cơ quan, mẫu văn bản tố tụng... mà hiệu quả nâng cao nhận thức của người dân về thẩm quyền tòa án xét xử theo hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm không cao.
Tại Điều 15 quy định về “Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự (sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3, khoản 4 Điều 2, Điều 14 Luật Tổ chức TAND 2014), đại biểu Tráng A Dương nhất trí với nội dung trong dự thảo là bỏ trách nhiệm thu thập chứng cứ của tòa án trong vụ án hình sự và trong cả vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Bởi trong vụ án hình sự, nghĩa vụ thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm là của cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát; trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, đương sự có nghĩa vụ thu thập chứng cứ, đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Theo đại biểu, việc tòa án tiến hành thu thập chứng cứ có thể dẫn tới không minh bạch và khách quan. Tuy nhiên, cùng với thực hiện quy định tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các phương thức thu thập chứng cứ vào dự thảo luật.
Đại biểu Tráng A Dương đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng quy định về thành lập các tòa chuyên biệt đang quy định trong dự thảo tại Điều 62 và 63, bởi khi thành lập một hệ thống toà chuyên biệt nhưng hàng năm không có nhiều vụ án xét xử sẽ gây lãng phí nguồn lực… Đồng thời khi thành lập các toà chuyên biệt cũng đòi hỏi những người làm thẩm phán, cán bộ trong toà án phải thực sự chuyên nghiệp từng lĩnh vực cụ thể. Điều này đặt ra yêu cầu đối với công tác tổ chức, đào tạo cán bộ, nhân lực phải chuyên môn hoá cao; việc luân chuyển cán bộ thẩm phán cũng chỉ trong phạm vi chuyên biệt.
Duy Tuấn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc