Đại biểu Phạm Thúy Chinh (Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang) thảo luận về tình hình KT – XH

13:07, 01/11/2023

BHG - Chiều 31.10 và sáng 1.11, chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tập trung thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT – XH năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.

Quang cảnh phiên họp sáng 1.11. Ảnh: CTV
Quang cảnh phiên họp sáng 1.11. Ảnh: CTV

Tham gia thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, đại biểu Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang làm rõ và góp ý vào một số nội dung.

Về phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen/amoniac xanh, đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp thể hiện quyết tâm chính trị cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, được Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Đại biểu tin tưởng đây là định hướng chiến lược mang tính đột phá trong thời gian tới cùng với công nghiệp bán dẫn, nhất là khi nước ta có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đầu vào của ngành. Đó cũng là xu hướng chung của thế giới khi đã có tới khoảng 40 quốc gia xây dựng chiến lược hydrogen với khoảng 500 dự án quy mô lớn trị giá 240 tỷ USD.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh thảo luận về tình hình KT - XH tại phiên họp. Ảnh: CTV
Đại biểu Phạm Thúy Chinh thảo luận về tình hình KT - XH tại phiên họp. Ảnh: CTV

Theo đại biểu, nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới về đảm bảo an ninh năng lượng gắn với cam kết giảm dần phát thải khí nhà kính, nên việc nắm bắt cơ hội, phát huy và khai thác lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen/amoniac xanh rất quan trọng. Tuy nhiên, ngoài quyết tâm chính trị, cần có khung khổ pháp luật để tạo môi trường thuận lợi, an toàn, bền vững cho chuyển đổi năng lượng thành công.

Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo và đề xuất Quốc hội ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích, thúc đẩy và tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển công nghiệp hydrogen, trong đó tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về hydrogen/amoniac xanh; nghiên cứu, quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng cho năng lượng hydrogen để đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng; quy định về sản xuất hydrogen từ các nguồn khác nhau và lưu trữ an toàn hydrogen; quy định về hệ thống phân phối và vận chuyển từ nơi sản xuất, lưu trữ đến nơi sử dụng; xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu, phát triển công nghệ và sử dụng cho nhà đầu tư và thị trường…

Đối với đầu tư theo mô hình đối tác công – tư (PPP), theo đại biểu Phạm Thúy Chinh, đây là mô hình khá phổ biến tại nhiều quốc gia. Nước ta đã có trên 20 năm triển khai, đặc biệt từ khi Luật PPP có hiệu lực thi hành, mô hình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là với các dự án điện, cung cấp nước sạch, cảng hàng không... Tuy nhiên với các dự án đường bộ còn nhiều bất cập. Đại biểu Phạm Thúy Chinh nêu một số vấn đề: Trong triển khai chủ trương xã hội hóa, đây là chủ trương đúng đắn tuy nhiên quá chú trọng tới lợi nhuận nên cách làm xã hội hóa ở một số lĩnh vực chưa đảm bảo tính bền vững, có hiện tượng đẩy giá lên cao hoặc cắt giảm các khâu để cạnh tranh về giá, chưa xác định đúng tính chất và cơ chế cung cấp dịch vụ công… dẫn đến vi phạm tại một số cơ sở y tế công lập, kiểm định xe cơ giới… Đại biểu đề nghị Chính phủ xác định rõ phạm vi, loại hình dịch vụ mà Nhà nước cần cung cấp để áp dụng mô hình PPP phù hợp, đảm bảo các dịch vụ thiết yếu, mang tính an sinh xã hội, không phải chịu áp lực lớn về lợi nhuận, không để nhà đầu tư lợi dụng cơ chế chia sẻ rủi ro của PPP.

Về lựa chọn dự án PPP và cách thức hỗ trợ, theo đại biểu do còn tư tưởng coi đầu tư PPP như đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân nên việc lựa chọn một số dự án chưa thực chất. Cách thức Nhà nước hỗ trợ trong các dự án PPP chưa hướng tới phát huy lợi thế của mô hình. Có xu hướng cố định ngay phần vốn Nhà nước tham gia trong các dự án PPP; có dự án phải đề nghị vốn T.Ư hỗ trợ một phần hoặc chuyển sang đầu tư công do nhà đầu tư tư nhân không thể thu xếp vốn vay thương mại. Vì vậy theo đại biểu cần chú trọng hơn khâu chuẩn bị, lựa chọn dự án PPP, trong đó xác định rõ các nghĩa vụ tham gia của khu vực công trong PPP để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của phương thức đầu tư này là cần thiết.

Về mô hình phát triển hướng trục giao thông và khai thác địa tô, đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng chủ trương phát triển đô thị, đường bộ, đường sắt theo mô hình hướng trục giao thông (TOD), khai thác địa tô (LVC) đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật như các cơ chế, chính sách đặc thù. Tuy nhiên trên thực tế, mô hình đang triển khai thí điểm cho Thành phố Hồ Chí Minh về bán đấu giá quyền sử dụng đất; cơ chế thanh toán ngay tiền sử dụng đất ở cũng như việc huy động giá trị tăng thêm từ đất chưa thực sự phù hợp với lộ trình, thời điểm hình thành địa tô. Đại biểu cho rằng cần nghiên cứu kinh nghiệm triển khai theo mô hình phát triển vận tải công cộng đường sắt + bất động sản (R + P) mà Trung Quốc đang áp dụng đã phát huy nhiều lợi thế.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh nhấn mạnh hai nội dung chính sách nêu trên không thể tách rời với quá trình nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ trực tiếp thực hiện cũng nhu quyết tâm của các cấp chính quyền, sự đồng tình, ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đó cũng là những vấn đề Chính phủ cần quan tâm.

Duy Tuấn (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông

BHG - Chiều 31.10, đồng chí Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh có buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhằm nắm bắt tiến độ triển khai Dự án Trung tâm điều hành thông minh và công tác chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh. Dự buổi làm việc có Ban Giám đốc Sở TT&TT, các phòng, ban chuyên môn trực thuộc sở và lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh.

31/10/2023
UBND tỉnh họp phiên tháng 10

BHG - Sáng 31.10, UBND tỉnh tổ chức phiên họp tháng 10, trực tuyến tới các huyện, thành phố nhằm đánh giá kết quả phát triển KT – XH tháng 10; xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 11.2023. Các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì phiên họp. Dự có đồng chí Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.

31/10/2023
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thào Hồng Sơn dự Hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng của Đảng ủy Quân khu 2

BHG - Ngày 30.10, Đảng ủy Quân khu 2 tổ chức Hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) thi hành kỷ luật Đảng và thực hiện quy chế phối hợp với UBKT cấp ủy địa phương giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trung tướng Phạm Đức Duyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 2 chủ trì hội nghị. Trung tướng Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Quân ủy Trung ương dự, chỉ đạo hội nghị. Về phía tỉnh Hà Giang có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quang Minh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy.

31/10/2023
Họp Hội đồng tuyển dụng công chức tỉnh năm 2023

BHG - Chiều 30.10, tại trụ sở UBND tỉnh, Hội đồng tuyển dụng công chức (cấp tỉnh, huyện) năm 2023 tổ chức họp. Đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng công chức tỉnh năm 2023 chủ trì cuộc họp. Tham dự có lãnh đạo một số sở, ngành.

30/10/2023