Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang được thí điểm áp dụng chính sách khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường
BHG - Với 464 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 93,93%), chiều 28.11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.
Các ĐBQH dự phiên họp thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Ảnh: CTV |
Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ trình Quốc hội gồm 8 Điều, 6 Phụ lục. Quy định thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ đối với 56 dự án (trong đó: 2 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; 7 dự án đường quốc lộ, đường cao tốc phân cấp địa phương làm cơ quan chủ quản; 14 dự án đường bộ qua các địa phương giao một địa phương làm cơ quan chủ quản; 21 dự án đường cao tốc, đường quốc lộ áp dụng chính sách khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; 6 dự án sử dụng nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022, nguồn vốn và số vốn còn thiếu so với dự kiến tổng mức đầu tư (nếu có) được bố trí trong giai đoạn 2026 – 2030; 6 dự án do địa phương quản lý đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 được điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư tương ứng với số tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 bổ sung cho dự án).
Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết. Ảnh: CTV |
Trong 56 dự án được áp dụng thí điểm, Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang được xác định là dự án đường cao tốc áp dụng chính sách khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Chính sách về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong Nghị quyết nêu rõ: Nhà thầu thi công trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng. Việc khai thác khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Nhà thầu thi công có trách nhiệm: Cam kết bảo vệ môi trường; Bố trí kinh phí và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác theo quy định của pháp luật; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản theo quy định của pháp luật; nộp thuế, phí và nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Đối với UBND cấp tỉnh, căn cứ điều kiện thực tế để xem xét, hướng dẫn nhà thầu thi công tự lập đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông đối với mỏ cát, sỏi lòng sông nằm ở đoạn sông, suối có nguy cơ sạt lở cao bảo đảm tuân thủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Nhà thầu thi công chịu trách nhiệm đối với kết quả đánh giá.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày thông qua và được thực hiện đến hết ngày 30.6.2025.
Duy Tuấn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc