Triển khai nhiệm vụ tín dụng chính sách 3 tháng cuối năm
BHG - Sáng 10.10, tại trụ sở UBND tỉnh, Ban đại diện Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh tổ chức phiên họp quý III bằng hình thức trực tuyến đến điểm cầu 11 huyện, thành phố nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng năm 2023; triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm. Đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh chủ trì phiên họp. Dự họp có lãnh đạo một số sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp tỉnh.
Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh kết luận phiên họp. |
Trong 9 tháng của năm 2023, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động tín dụng chính sách (TDCS) trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác giải ngân, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương.
Tính đến 30.9, tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 4.700 tỷ đồng/93.441 khách hàng dư nợ, tăng 425,2 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng 9,9%; doanh số cho vay đạt trên 1.570 tỷ đồng với 31.367 lượt hộ vay vốn. Chất lượng TDCS từng bước được nâng lên, nợ quá hạn chiếm 0,07%/tổng dư nợ. Trong tổng số 2.598 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thì tỷ lệ tổ TK&VV xếp loại tốt, khá chiếm 99,1%, tổ trung bình chiếm 0,88% và chỉ có 1 tổ TK&VV xếp loại yếu, chiếm 0,02%. Thông qua các chương trình TDCS, toàn tỉnh có 31.367 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống...
Tuy nhiên, hiện nay, toàn tỉnh còn 1.216 món vay trên 3 tháng không hoạt động. Một số huyện có tỷ lệ tăng trưởng TDCS thấp hơn bình quân chung toàn tỉnh như: Quang Bình, Yên Minh, Bắc Quang. Riêng các huyện: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Vị Xuyên có tỷ lệ nợ quá hạn cao hơn so với mức bình quân chung của tỉnh...
Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Lê Tuấn Quang thảo luận tại phiên họp. |
Qua ý kiến thảo luận của các đại biểu, kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh đề nghị: Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH các cấp tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội; chuyển vốn ủy thác địa phương năm 2024 sang Ngân hàng CSXH để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách với định mức cấp tỉnh tối thiểu 10 tỷ đồng/năm, các huyện/thành phố tối thiểu 1 tỷ đồng/huyện/năm. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng để người dân nắm bắt và tiếp cận nguồn vốn TDCS. Tập trung rà soát đối tượng vay vốn để triển khai cho vay, tránh tồn đọng, lãng phí nguồn vốn; có các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, tăng trưởng TDCS và nâng cao hiệu quả hoạt động giao dịch, giải ngân tại xã. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở, nắm bắt khó khăn, đưa ra giải pháp chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục phối hợp với Ngân hàng CSXH thực hiện tốt công tác củng cố, nâng cao chất lượng TDCS ủy thác, phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ TK&VV...
Tin, ảnh: THU PHƯƠNG – KHÁNH LINH
Ý kiến bạn đọc