Tổ công tác cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ họp phiên thứ 2
BHG - Sáng 16.10, tại Hà Nội, Tổ công tác cải cách hành chính (CCHC) của Thủ tướng Chính phủ tổ chức phiên họp thứ 2 bằng hình thức trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công (DVC) phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác CCHC của Chính phủ chủ trì phiên họp. Dự họp tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.
Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Hà Giang. |
Thời gian qua, việc thực hiện TTHC, cung cấp DVC phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu đã gắn kết với chuyển đổi số theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần; chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp ngày càng được cải thiện. Các cấp, ngành đã quan tâm nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết TTHC, hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp DVC. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được triển khai ở 9.200/11.956 bộ phận một cửa (đạt 76,9%). Cả nước đã có 8 bộ và 29 địa phương triển khai việc tiếp nhận, giải quyết 6,9 triệu hồ sơ TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính...
Tuy nhiên, tại một số cơ quan, đơn vị còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phát sinh thêm TTHC, hồ sơ, giấy tờ không đúng quy định. Nhiều DVC trực tuyến phức tạp, không thuận lợi hơn so với thực hiện trực tiếp hoặc qua bưu chính. Kết quả số hóa hồ sơ, cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử còn hạn chế, việc tái sử dụng kết quả đã được số hóa còn thấp. Công tác phối hợp xử lý hồ sơ giải quyết TTHC giữa các cơ quan, đơn vị chưa hiệu quả, chưa kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong thực hiện TTHC cho người dân, doanh nghiệp...
Đối với tỉnh Hà Giang, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ nhằm đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp DVC phục vụ người dân, doanh nghiệp như: Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính; nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động của bộ phận một cửa các cấp... Kết quả chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, DVC theo thời gian thực trên môi trường điện tử, trích xuất ngày 13.10.2023 tại Cổng DVC quốc gia cho thấy: Tỉnh Hà Giang đạt 71,40 điểm, xếp loại khá, vươn lên vị trí thứ 25/63 tỉnh, thành phố (tăng 20 bậc so với đầu năm 2023).
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương: Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện TTHC, cung cấp DVC cho người dân, doanh nghiệp. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định TTHC tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành để phù hợp với việc chuyển từ phương thức tiếp nhận, giải quyết TTHC truyền thống, giấy tờ trực tiếp sang trực tuyến. Kịp thời nắm bắt và xử lý dứt điểm những vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện cơ chế, chính sách, TTHC; không để tình trạng kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm gây tốn kém chi phí, công sức, thời gian đi lại cũng như ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận giải quyết TTHC, cung cấp DVC...
Tin, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc