Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng làm việc với đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương
BHG - Sáng 10.10, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đã có buổi làm việc với đoàn công tác Ban Tuyên giáo T.Ư do đồng chí Vũ Trọng Lâm, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật làm trưởng đoàn, về việc triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Vương Ngọc Hà, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng Tỉnh ủy; một số sở, ngành của tỉnh.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng phát biểu tại buổi làm việc. |
Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Vũ Trọng Lâm tiếp thu các ý kiến đề xuất, kiến nghị của tỉnh. |
Báo cáo với đoàn công tác Ban Tuyên giáo T.Ư, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vương Ngọc Hà cho biết: Thực hiện Thông báo số 396, ngày 23.11.2010 và Kết luận số 30 của Ban Bí thư về việc thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở, xã, phường, thị trấn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 11 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng, khai thác các ấn phẩm tại cơ sở. Chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy tăng cường vai trò lãnh đạo, giám sát đối với cấp ủy các xã, phường, thị trấn về trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng sách đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tầm quan trọng của Đề án. Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận gần 800 đầu sách, phân bổ đến Ban Tuyên giáo các cấp, Đảng ủy các xã, phường, thị trấn, Trung tâm Chính trị và thư viện các huyện. Sau khi tiếp nhận, các đầu sách được phân loại, sắp xếp theo từng lĩnh vực, lập sổ quản lý, xây dựng mục lục để thuận lợi cho việc theo dõi, lưu trữ cũng như việc tra cứu của người đọc. Trong quá trình triển khai đã có nhiều xã, phường, thị trấn làm tốt việc tiếp nhận, quản lý, khai thác, sử dụng sách của Đề án với những mô hình hay, hiệu quả như: Xã Lũng Táo, Lũng Cú, Sủng Là (Đồng Văn); xã Hùng An, Việt Vinh (Bắc Quang); Đồn Biên phòng Xín Cái, Sơn Vĩ (Mèo Vạc)…
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vương Ngọc Hà đánh giá thêm công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Đề án và đề xuất xuất bản sách với nhiều hình thức, bằng nhiều thứ tiếng phục vụ cho đồng bào dân tộc. |
Báo cáo cũng nêu một số hạn chế như: Hà Giang là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, dân cư phân bố không đều, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; nhiều thôn nằm cách xa trung tâm xã nên gặp khó trong tiếp cận sách của Đề án hoặc chậm tiếp cận. Hầu hết các xã, phường, thị trấn chưa có phòng đọc riêng, thiếu trang, thiết bị phục vụ người đọc. Một bộ phận cán bộ, đảng viên có thói quen khai thác các thông tin trên mạng internet; một bộ phận Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế về tiếng Việt nên khó khăn tiếp cận đọc các sách, ấn phẩm. Cán bộ quản lý, khai thác, sử dụng sách đều thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm, chưa được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, không có chế độ phụ cấp ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của Đề án…
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thế Bình báo cáo công tác xây dựng thư viện trong trường học. |
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh đánh giá thêm công tác triển khai Đề án tại cơ sở và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở đó, kiến nghị nhiều nội dung với đoàn công tác bổ sung vào Đề án, như: Đề nghị T.Ư tiếp tục trang bị và tăng số lượng đầu sách cho xã, phường, thị trấn. Cần nghiên cứu đánh giá nhu cầu thực tiễn tại cơ sở để việc trang bị sách đảm bảo phù hợp với nhu cầu của từng địa phương. Hàng năm, cung cấp thông tin đến Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy về sách gửi đến xã, phường, thị trấn để thuận lợi trong việc theo dõi, tổng hợp.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Triệu Thị Tình, báo cáo hoạt động Thư viện tỉnh và các xã, thị trấn theo lĩnh vực của ngành. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng khẳng định: Việc trang bị sách cho các cơ sở xã, phường, thị trấn có ý nghĩa thiết thực, cần thiết, là cầu nối đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đáp ứng nhu cầu học tập, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất… Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục quan tâm, tổ chức thực hiện Đề án một cách hiệu quả hơn nữa, nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về văn hóa đọc cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Qua đó, cung cấp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân nguồn tin chính thống, hữu ích, tin cậy của Đảng và Nhà nước, giúp nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở và sự hiểu biết, chấp hành pháp luật trong Nhân dân.
Đoàn công tác tặng sách cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh. |
Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Vũ Trọng Lâm tiếp thu, tổng hợp báo cáo cấp trên các ý kiến, kiến nghị của tỉnh về đổi mới thể loại, đa dạng nội dung các đầu sách phù hợp với nhiệm vụ của địa phương và nhu cầu của đồng bào dân tộc; tăng cường sách điện tử, sách nói bằng tiếng dân tộc; hướng dẫn về chế độ, chính sách, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý sách. Cùng với đó, đề nghị tỉnh tiếp tục làm tốt công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án đến cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân.
Tin, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc