Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương khảo sát công tác lãnh, chỉ đạo của tỉnh về dân vận

13:18, 23/10/2023

BHG - Sáng 23.10, dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương và đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy, Đoàn công tác Ban Dân vận Trung ương đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Hà Giang, nhằm khảo sát công  tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy về quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các văn bản của Trung ương về công tác dân vận; Quyết định số 23 – QĐ/TW ngày 30.7.2023 của Bộ Chính trị. Dự buổi làm việc có đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc.

Trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân vận, Tỉnh ủy Hà Giang đã tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác dân vận cho 9.356 đại biểu, cán bộ chủ chốt các cấp. Đối với Quyết định số 23 của Bộ Chính trị, toàn tỉnh đã tổ chức 1.504 hội nghị học tập, quán triệt, tuyên truyền với 118.190 người tham gia. Công tác phổ biến, quán triệt được tiến hành với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng phát biểu kết luận buổi làm việc
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng phát biểu kết luận buổi làm việc.

Để cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã ban hành 99 văn bản, gồm 12 nghị quyết, 5 chỉ thị, 16 chương trình hành động, 26 kế hoạch, 40 văn bản khác phù hợp với thực tiễn của địa phương, nhiều nghị quyết đã đi vào cuộc sống như Nghị quyết số 07 của BTV Tỉnh ủy tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; Chỉ thị số 09 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ các hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang và Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang. Đến nay đã có 14.203 cặp đăng ký kết hôn thực hiện theo nếp sống văn minh; 6.289/6.745 đám tang không giết mổ nhiều gia súc; vận động 1.157/2.165 gia đình đồng bào Mông đưa người chết vào áo quan khi làm tang ma…

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng phát biểu tại buổi làm việc
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Công tác dân vận tại tỉnh Hà Giang cũng bám sát các nhiệm vụ chính trị, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, công tác an sinh xã hội của địa phương, như xã hội hóa các nguồn lực hoàn thành hỗ trợ xây dựng 6.700 căn nhà cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo các xã biên giới với kinh phí 1.200 tỷ đồng; hỗ trợ 47 nhà Đại đoàn kết từ Quỹ “Vì người nghèo”, sửa chữa 503 ngôi nhà cho các gia đình bị thiên tai, hỏa hoạn. Vai trò công tác dân vận được khẳng định với nhiều chương trình, dự án được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống của người dân như: Dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1); Dự án Đập dâng nước tạo cảnh quan trung tâm thành phố Hà Giang; cải tạo, nâng cấp một số tuyến giao thông trọng điểm; thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia…

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Trần Mạnh Lợi báo cáo tại buổi làm việc
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Trần Mạnh Lợi báo cáo tại buổi làm việc.

Qua trao đổi, thảo luận của Đoàn công tác Ban Dân vận Trung ương và các sở, ngành của tỉnh, phát biểu tại buổi làm việc, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đã trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung đoàn công tác quan tâm. Quyền Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đối với công tác dân vận, Tỉnh ủy kiên định quan điểm chỉ đạo “Gần dân, sát dân, hiểu dân và vì dân”, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở theo hướng "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng"; nắm bắt tình hình sâu sát từ tỉnh đến cơ sở, từng thôn bản, tổ dân phố và hộ gia đình. Xác định công tác dân vận chính quyền là nhiệm vụ then chốt, quan trọng vì vậy tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện, trong đó tập trung vào cải cách hành chính hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất; thực hiện nghiêm túc, triệt để các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến nhân dân. Kiên trì thực hiện và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”, tổng hợp những làm hay, sáng tạo, được nhân dân ủng hộ để nhân rộng. Chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu, tăng cường đưa văn hóa truyền thống vào trường học để gìn giữ, bảo tồn và phát triển; không đánh đổi giá trị kinh tế làm mất đi giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, cảnh quan thiên nhiên. Các cấp, các ngành làm tốt công tác phối hợp, cùng triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các văn bản của Trung ương về công tác dân vận một cách quyết liệt, linh hoạt, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Hà Giang trong triển khai Quyết định số 23-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các văn bản của Trung ương về công tác dân vận, từ đó đã đạt được những kết quả cụ thể, khá toàn diện, đặc biệt là những chỉ thị, nghị quyết đã đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng thuận, hưởng ứng như Chỉ thị số 09 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ các hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang và Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang…

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng cũng chia sẻ những khó khăn của tỉnh Hà Giang, đồng thời tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của tỉnh để báo cáo với Trung ương Đảng, Chính phủ, như tiếp tục đầu tư triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển KT-XH, có chính sách đặc thù; chăm lo cho giáo dục, y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là việc giải quyết thiếu nước sinh hoạt tại 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh; tiếp tục quan tâm đầu tư làm đường tuần tra biên giới và rà phá bom mìn, vật cản trên tuyến biên giới của tỉnh phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ biên giới và sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Tin, ảnh: VĂN NGHỊ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hà Giang có 1 cá nhân đạt giải Cuộc thi Chính luận về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3
BHG - Tối 22.10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo 35 Trung ương tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi Chính luận về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3 năm 2023; trong đó Hà Giang có 1 tác phẩm đạt giải Khuyến khích.
23/10/2023
Hội nghị trực tuyến Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh
BHG - Sáng 21.10, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.
21/10/2023
Khởi công Dự án xây dựng cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang
BHG - Sáng 21.10, tại điểm đầu tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giao với cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ thuộc thôn 5 xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ khởi công Dự án xây dựng cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang. 
21/10/2023
Kỳ họp thứ 32, bầu bổ sung Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy
BHG - Ngày 20.10, UBKT Tỉnh ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tổ chức kỳ họp thứ 32. Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Trần Quang Minh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy
20/10/2023