Đại biểu Tráng A Dương (đơn vị tỉnh Hà Giang) thảo luận việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình MTQG
BHG - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 30.10, Quốc hội thảo luận tập trung tại hội trường về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành thảo luận. Chương trình phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi. Tham dự phiên họp có 84 đại biểu đại diện Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, lãnh đạo các ban của HĐND và một số Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện của 31 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đến dự thính. Tham gia dự thính về phía tỉnh ta có các đồng chí: Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Tham gia thảo luận, đại biểu Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang góp ý một số nội dung.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành thảo luận. Ảnh: CTV |
Theo đó, đại biểu Tráng A Dương tán thành với nội dung báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình MTQG. Theo đại biểu, đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ và đồng thời 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, thể hiện rõ sự nỗ lực, đồng hành của Quốc hội cùng với Chính phủ tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG. Góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo vùng nông thôn, đời sống người dân được cải thiện, bước đầu góp phần giảm nghèo bền vững, từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệnh giàu nghèo giữa các vùng, địa phương.
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: CTV |
Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy kết quả thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo chưa thật sự bền vững; kết quả xây dựng NTM chưa đồng đều; việc chậm triển khai Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi ảnh hưởng đến đời sống KT - XH và quyền lợi thụ hưởng của người dân.
Theo đại biểu Tráng A Dương, thứ nhất, bộ máy cơ quan tham mưu chủ trì tổ chức thực hiện 3 chương trình MTQG chưa đồng bộ giữa các cấp, nhiều địa phương chưa tổ chức cơ quan công tác dân tộc cấp huyện chuyên trách (Phòng Dân tộc), biên chế làm công tác dân tộc mỏng; hầu hết các xã, thị trấn không được bố trí cán bộ chuyên trách tham mưu thực hiện chương trình MTQG mà phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, thường xuyên thay đổi vị trí công tác dẫn đến những bất cập, khó khăn trong công tác kiện toàn, thành lập đơn vị tham mưu giúp việc ban chỉ đạo các cấp và hoạt động quản lý, đôn đốc, theo dõi quá trình tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương. Đại biểu đề nghị có chỉ đạo thống nhất bộ máy, tổ chức quản lý các chương trình từ T.Ư đến địa phương đảm bảo vận hành hiệu quả, nhất là việc bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện các chương trình MTQG đối với cấp xã - cấp trực tiếp triển khai, đưa chính sách tới người dân.
Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang tại phiên họp. Ảnh: CTV |
Thứ hai, đại biểu cho rằng quy định lập và giao kế hoạch danh mục đầu tư công giai đoạn và hàng năm phải trình HĐND cùng cấp quyết định, điều chỉnh danh mục dự án. Tuy nhiên trong thực tế danh mục các dự án thuộc các chương trình với đặc thù đa số là các dự án nhỏ, quy mô không phức tạp, số lượng danh mục dự án lớn, thực tiễn trong quá trình triển khai thi công công trình ở cấp xã dễ có sự thay đổi phát sinh việc điều chỉnh, bổ sung danh mục, do đó việc quy định phải trình HĐND cùng cấp quyết định, điều chỉnh dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và giảm sự linh hoạt, chủ động trong triển khai thực hiện. Đại biểu kiến nghị cho phép các địa phương phân bổ, giao dự kiến tổng nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, chưa bắt buộc giao tên danh mục dự án, quy mô dự án cụ thể.
Các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND và Đoàn ĐBQH tỉnh ta chụp ảnh lưu niệm với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang bên lề phiên họp |
Thứ ba, việc giao kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình MTQG hàng năm theo từng lĩnh vực, theo dự án, tiểu dự án thành phần từ T.Ư về địa phương tuy theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước nhưng thực tế đây là một trong những điểm vướng mắc nhất, các địa phương thiếu tính chủ động trong việc lồng ghép nguồn vốn, điều chỉnh dự toán linh hoạt để sử dụng vốn hiệu quả. Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét từ năm ngân sách 2024 T.Ư giao tổng kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện từng chương trình MTQG, không giao dự toán chi tiết đến từng dự án và nguồn vốn theo từng dự án, lĩnh vực cụ thể, để các địa phương chủ động trong triển khai thực hiện và đảm bảo sử dụng nguồn vốn hiệu quả, giải ngân hết kế hoạch vốn được giao hàng năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Quốc Hội trình bày báo cáo giám sát của Quốc hội về thực hiện 3 chương trình MTQG |
Đại biểu Tráng A Dương tham gia thảo luận. |
Thứ tư, các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 được thiết kế rất nhiều dự án, tiểu dự án thành phần, trong mỗi tiểu dự án lại chia thành nhiều nội dung thực hiện. Việc ban hành đồng thời 3 chương trình MTQG có nhiều nội dung, chính sách, đối tượng, địa bàn, mục tiêu trùng nhau, trong khi hướng dẫn, quy trình, phương thức thực hiện khác nhau, do cơ quan chủ chương trình khác nhau thực hiện tạo áp lực, quá tải cho các địa phương trong việc quản lý, tổ chức thực hiện. Đại biểu kiến nghị Chính phủ nghiên cứu rà soát, lồng ghép tích hợp một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần có cùng mục tiêu, phạm vi, đối tượng thực hiện tương đồng vào cùng một chương trình để đảm bảo tính đồng bộ, giảm đầu mối để triển khai thực hiện thống nhất trong giai đoạn 2026 - 2030.
Thứ năm, theo đại biểu công tác chủ trì, quản lý các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần các chương trình có sự tham gia của nhiều Bộ, cơ quan T.Ư với rất nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện, bên cạnh đó một số văn bản hướng dẫn chưa mang tính ổn định, phải sửa đổi, bổ sung để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện. Vì vậy kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan khẩn trương tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung những cơ chế chính sách chưa phù hợp, khó thực hiện, thay đổi cách tiếp cận theo hướng giảm thiểu, rút gọn các thủ tục quy trình triển khai thực hiện; đồng thời xem xét, ban hành một số giải pháp, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình MTQG.
Với những tồn tại hạn chế, vướng mắc đã được Đoàn giám sát chỉ ra, đại biểu Tráng A Dương kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài nguồn vốn được phân bổ năm 2023 (bao gồm cả vốn chuyển nguồn năm 2022) chưa được giải ngân hết chuyển sang tiếp tục thực hiện đến 31.12.2024.
Duy Tuấn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc