Tin dân, dựa vào dân, làm hợp lòng dân thì mới đi tới thắng lợi hoàn toàn
BHG - Trong bài “Sao cho được lòng dân” đăng báo Cứu quốc ngày 12.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.
Qua những bài nói, bài viết, bài trả lời phỏng vấn của mình Bác cho ta thấy Lòng dân là sức mạnh vô biên, vô địch, có ý nghĩa quyết định thành bại của cách mạng. Bác viết “dân rất tốt”, “rất anh hùng”, từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Cán bộ, đảng viên phải ghi tạc vào đầu cái chân lý ấy. Nếu cán bộ, đảng viên có tâm trong sáng, chính trực, biết nuôi dưỡng, vun bồi, khơi dậy lòng tốt của dân - tuyệt đối không được lạm dụng, lợi dụng lòng tốt đó - thì dân sẽ ủng hộ, giúp đỡ ta. Nói với Công an nhân dân, Bác chỉ rõ ta được lòng dân thì không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì không thể làm tốt công tác. Nói về Chính phủ lo phấn đấu cho lợi ích của nhân dân nên nhân dân hăng hái, hoàn toàn tin tưởng và nhiệt liệt ủng hộ Chính phủ, Bác kết luận: “Được lòng dân, thì việc gì cũng làm được; trái ý dân thì chạy ngược chạy xuôi”.
Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, khi bước vào sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã rút ra bài học kinh nghiệm đầu tiên là trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết các HNTW4 khóa XI, XII, XIII nhấn mạnh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Trong thời gian gần đây, Tổng Bí thư Đảng ta trăn trở nhiều về hai chữ “lòng dân” bởi nó liên quan tới vận mệnh của Đảng, của Tổ quốc, của chế độ. Tổng Bí thư viết: “Cần khẳng định, ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”. Từ đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”.
Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và BVTQ; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN”.
Trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh khi Người viết Di chúc được coi như Quốc bảo xây dựng đất nước sau chiến tranh theo tinh thần đổi mới. Theo Bác, xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn là một nhiệm vụ hết sức to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cho thấy chỉ có tin vào dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân, làm hợp lòng dân thì mới đi tới thắng lợi hoàn toàn.
Đặng Công Thành (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)
Ý kiến bạn đọc