Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
BHG - Sáng 26.5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình làm việc tập trung tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận |
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Thu Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum bày tỏ đồng tình với việc ban hành dự án luật này, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong luật hiện hành. Đại biểu cho rằng, để bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi lừa dối, trong dự thảo luật đã có quy định rõ ràng các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin minh bạch, chính xác và đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, các biện pháp bồi thường, xử lý cho người tiêu dùng khi có sự cố, sản phẩm, hàng hóa khuyết tật. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện xử lý các hành vi lừa dối người tiêu dùng còn bất cập, dự thảo luật cần quy định cụ thể tiêu chí đánh giá xem hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh có lừa dối người tiêu dùng hay không, dựa trên khả năng nhận thức, nhận dạng của người tiêu dùng thông thường.
Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bí thư Tỉnh ủy cùng Đoàn ĐBQH tỉnh ta dự phiên thảo luận |
Về nghĩa vụ của người tiêu dùng, đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết: Khoản 1, Điều 5 dự thảo luật quy định kiểm tra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận theo quy định của pháp luật; lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Vấn đề này Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải thích và cho rằng việc kiểm tra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận là không bắt buộc đối với mọi trường hợp. Tuy nhiên, nội dung này cần được phân tích làm rõ để đảm bảo tính khả thi khi luật được ban hành kịp thời, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thực tế.
Đại biểu Trần Thị Thu Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum thảo luận |
Theo đại biểu Cầm Thị Mẫn, đối với hàng hóa, sản phẩm có thể kiểm tra được nhưng đối với dịch vụ chỉ khi sử dụng mới biết được chất lượng nên không thể quy định là kiểm tra trước khi nhận đối với các dịch vụ nói chung. Đối với hàng hóa, sản phẩm có thể lựa chọn nguồn gốc xuất xứ theo nhãn mác giấy chứng nhận nhưng đối với dịch vụ không thể không xác định theo tiêu chí nguồn gốc xuất xứ. Việc kiểm tra và lựa chọn trước khi nhận hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ như dự thảo đang quy định, nghĩa là nghĩa vụ người tiêu dùng. Việc quy định nghĩa vụ của người tiêu dùng trong trường hợp này không khác gì đẩy trách nhiệm cho chính những người tiêu dùng trong bảo vệ quyền lợi của họ, vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét bổ quy định tại Khoản 1, Điều 5.
Đối với quy định về công bố, công khai thông tin cảnh báo về danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng về hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng bị xử lý tại Điều 40, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng dự thảo Luật mới quy định về việc công bố thông tin mà không quy định về việc gỡ bỏ thông tin đã công bố là chưa phù hợp. Theo đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh bị xử lý sau vi phạm nghiêm túc khắc phục thì cũng cần có quy định trong luật về việc gỡ bỏ thông tin đã công bố.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định thảo luận |
Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, Luật sửa đổi lần này cần quan tâm tới việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi bị người tiêu dùng khác xâm hại. Đại biểu cho rằng, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ngày càng được tổ chức, cá nhân kinh doanh tốt hơn. Tuy nhiên, có một yếu tố làm cho hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ bị giảm chất lượng đó là việc người tiêu dùng tranh giành, chen lấn khi mua hàng hay sử dụng dịch vụ thông qua thực hiện hành vi, lời nói, cử chỉ, ăn mặc, sử dụng thiết bị cá nhân, đem theo vật nuôi… không phù hợp quy định, không phù hợp không gian, thời gian, thuần phong mỹ tục, không đảm bảo an toàn, quyền lợi của người tiêu dùng khác.
Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Tờ trình về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Duy Tuấn tổng hợp
Ý kiến bạn đọc