Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH
BHG - Ngày 25.5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày tờ trình dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang trình bày Tờ trình dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) |
Trong phiên buổi sáng, Quốc hội chia tổ thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước NSNN năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021; việc thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội và một số chủ trương đầu tư một số dự án, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2021 - 2025…
Tại tổ 10 gồm các Đoàn ĐBQH: Đồng Tháp, Hà Giang, Thái Bình. Đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã tham gia thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT- XH và NSNN năm 2022; tình hình triển khai kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2023 một số nội dung.
Đoàn ĐBQH của tỉnh tại phiên họp |
Theo đại biểu Vương Thị Hương, so với báo cáo tại Kỳ họp thứ 4, với số liệu, thông tin đầy đủ, chuẩn xác hơn, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT- XH năm 2022 sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực hơn. Tuy nhiên an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững còn nhiều thách thức do tác động của dịch bệnh; thiên tai, bão lũ; hiện nay đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, đặc biệt là người dân sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).
Liên quan đến việc triển khai thực hiện chính sách cho vùng đồng bào DTTS&MN, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình), đại biểu cho rằng dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 32/33 văn bản quy định, hướng dẫn về cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình nhưng đến thời điểm này một số nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần của Chương trình chưa có hướng dẫn, chưa có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện hoặc đã có nhưng còn mâu thuẫn, chưa thống nhất dẫn đến các địa phương lúng túng, chậm triển khai, giảm hiệu quả sử dụng vốn, ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích của người dân, cũng như làm chậm tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu kế hoạch của Chương trình, tạo áp lực giải ngân nguồn vốn cho các địa phương trong khi nguồn vốn thực hiện chương trình là rất lớn.
Đại biểu Vương Thị Hương thảo luận tại phiên họp tổ |
Về việc giao kế hoạch nguồn vốn thực hiện, theo đại biểu đối với vốn đầu tư đã giao cả giai đoạn 2021-2025, còn vốn sự nghiệp thì giao theo từng năm. Vì vậy, gây khó khăn cho các cơ quan, địa phương chủ động trong việc cân đối, bố trí vốn sự nghiệp cho lộ trình các năm thực hiện cũng như lập kế hoạch dài hạn cho các hoạt động, nhất là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, những dự án khởi nghiệp, phát triển vùng trồng dược liệu... đòi hỏi thời gian thực hiện dài.
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, ban hành, sửa đổi các thông tư hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, hoàn thiện và thống nhất để các cơ quan, các địa phương có cơ sở thực hiện. Thực hiện giao vốn sự nghiệp trung hạn Chương trình Mục tiêu quốc gia như quy định tại Nghị định 27 để tạo cơ sở cho chủ trì các dự án, tiểu dự án xây dựng kế hoạch trung hạn thay vì liên tục điều chỉnh hàng năm. Nghiên cứu lại cách tiếp cận “thay thế” trong chính sách với các dân tộc rất ít người, dân tộc còn nhiều khó khăn như: Việc quy định các hộ, thôn bản, và xã được thụ hưởng chính sách của tiểu dự án 1 (Dự án 9) thì không được thụ hưởng các dự án khác của Chương trình là một cách tiếp cận còn bất cập trong thực tiễn. Thay vì “bổ sung” nguồn lực thì Chương trình sử dụng cách tiếp cận “thay thế” nguồn lực. Sớm sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định số 05 ngày 14.1.2011 của Chính phủ về công tác dân tộc để phù hợp với các chủ trương, định hướng, thực tiễn công tác dân tộc trong tình hình mới…
Duy Tuấn tổng hợp
Ý kiến bạn đọc