Hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
BHG - Chiều 13.2, tại tỉnh Bắc Kạn, đoàn công tác của Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với 14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc về tình hình triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo Hội đồng Dân tộc Quốc hội; đại diện các ban, bộ, ngành T.Ư. Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Giang có đồng chí Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Giai đoạn 2021 - 2025, T.Ư giao tổng vốn đầu tư phát triển là 44.185,172 tỷ đồng cho các địa phương vùng trung du, miền núi phía Bắc để thực hiện 3 chương trình MTQG. Năm 2022, các địa phương đã khẩn trương ban hành cơ chế, chính sách để đảm bảo điều kiện phân bổ kế hoạch vốn T.Ư giao. Đến ngày 31.8.2022, toàn bộ các địa phương trong vùng đã hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2021 - 2025. Lũy kế thanh toán vốn đầu tư phát triển trong năm 2022 của 3 chương trình MTQG các tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc là 4.575,217 tỷ đồng, đạt 40,54% kế hoạch, cao hơn 2,81% so với trung bình cả nước. Năm 2023, tổng vốn ngân sách nhà nước T.Ư giao cho 14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc là 10.874,152 tỷ đồng. Đến nay 13/14 địa phương đã hoàn thành công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2023.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long phát biểu thảo luận tại điểm cầu Hà Giang. |
Đối với tỉnh Hà Giang, sau khi Quốc hội ban hành các nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã tập trung xây dựng, trình HĐND tỉnh ban hành 14 nghị quyết, ban hành theo thẩm quyền 19 quyết định và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG. Kết quả giải ngân kế hoạch vốn đến nay đạt 607 tỷ đồng, đạt 29,5% kế hoạch năm 2022. Trong đó, chương trình Xây dựng Nông thôn mới đạt 123 tỷ đồng; chương trình Giảm nghèo bền vững đạt 174 tỷ đồng; chương trình Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 310 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, cụ thể: Các bộ, ngành vẫn chưa ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện. Đối với chương trình Xây dựng Nông thôn mới, chưa có hướng dẫn của Bộ LĐ,TB&XH về chỉ tiêu “Tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn”; chưa có hướng dẫn của Bộ Y tế về triển khai ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa. Đối với chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, chưa có hướng dẫn cụ thể đối với một số nội dung như hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động có thu nhập thấp, hỗ trợ các dịch vụ du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh...
Phát biểu thảo luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long cho biết nguồn ngân sách địa phương của tỉnh bổ sung thêm ngoài tỷ lệ đối ứng chung của từng chương trình còn rất khó khăn. Một số dự án, tiểu dự án của chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa có hướng dẫn của các bộ, ngành, do vậy ảnh hưởng đến tiến độ phân bổ và giải ngân các nguồn vốn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư xem xét bổ sung kinh phí cho các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Hà Giang để có thêm nguồn lực hoàn thành các chương trình MTQG. Các bộ, ngành T.Ư sớm ban hành các văn bản hướng dẫn làm cơ sở để địa phương tổ chức thực hiện và giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch...
Tin, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc